da dang hoa mo hinh day nghe gan voi lao dong tri lieu da ps
Các cơ sở, trung tâm cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đang triển khai có hiệu quả nhiều mô hình dạy nghề gắn với lao động trị liệu

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội thành phố Thái Nguyên có 4 nhóm lao động trị liệu đang được triển khai gồm các công việc làm mành gỗ, sản xuất than không khói, trồng trọt chăn nuôi và nấu ăn. Trong đó, hơn 1/3 số học viên thường xuyên tại Trung tâm chọn lựa công việc làm mành gỗ. Mỗi ngày, các học viên sản xuất được khoảng 10 - 12 chiếc mành gỗ. Đối với học viên Bá Công Tuyển, bên cạnh thành thạo công đoạn khó nhất là lên khung mành gỗ, công việc hàng ngày trong 4 - 5 giờ lao động trị liệu là hướng dẫn cho các học viên mới. Học viên Bá Công Tuyển, tổ 3, phường Tân Lập, thành phố Thái Nguyên chia sẻ: "Rất nhiều công việc có thể là làm mành, làm hạt. Đến 90% mọi người ở đây muốn đi lao động, vì lao động rất nhẹ nhàng và lao động giúp trị liệu".

Ông Nguyễn Hữu Trường, Phó Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội thành phố Thái Nguyên cho biết: "Các học viên được làm việc, tẩy các chất độc do ma túy gây ra; có một số khoản thu nhập từ lao động trị liệu để phục vụ cải thiện đời sống của các em".

Tại Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện Đồng Hỷ, đa số học viên chọn sản xuất mây tre đan là công việc trị liệu hàng ngày. Với khoảng 20 - 25 học viên, cơ sở có thể sản xuất khoảng 5 bộ bàn ghế mây tre trong 6 giờ lao động trị liệu mỗi ngày. Học viên Lục Văn Ba, xóm Đồng Lâm, xã Tân Hợi, huyện Đồng Hỷ cho biết thêm: "Tôi quản lý xưởng mây tre đan là do đã ở đây lâu và ham học hỏi, nắm được kỹ thuật thì tôi bảo ban lại cho các học viên cùng nhau làm".

Ông Nguyễn Quang Trung, Giám đốc Cơ sở điều trị nghiện ma túy tự nguyện huyện Đồng Hỷ thông tin: "Chúng tôi tập trung hợp đồng với các công ty để tạo cho các học viên có điều kiện để lao động sản xuất, bên cạnh đó tổ chức tăng gia sản xuất để phục vụ nâng cao đời sống cho các cán bộ và các em học viên".

da dang hoa mo hinh day nghe gan voi lao dong tri lieu da ps
Ông Chu Hoàng Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tỉnh Thái Nguyên trao đổi với phóng viên

Hiện, các Cơ sở điều trị nghiện ma túy của tỉnh đã chủ động trong việc tiếp cận các doanh nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp và thu nhập thêm cho các học viên. Thông qua các công việc do cơ sở tổ chức, học viên được rèn luyện tính kỷ luật, phục hồi sức khỏe và các kỹ năng lao động, từ đó giúp thay đổi hành vi nhân cách, có suy nghĩ tích cực hơn trong tham gia các hoạt động của cơ sở. Ông Chu Hoàng Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống Tệ nạn xã hội tỉnh Thái Nguyên thông tin thêm: "Chúng tôi lồng ghép các công tác cai nghiện phục hồi đối với việc thực hiện một số chương trình kinh tế - xã hội khác liên quan như xóa đói giảm nghèo, đẩy mạnh các hoạt động để tư vấn tâm lý xã hội, tư vấn dự phòng và điều trị nghiện ma túy, công tác hỗ trợ dạy nghề tìm việc làm cho người cai nghiện ma túy để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tái nghiện".

Việc dạy nghề gắn với hoạt động lao động trị liệu nhằm hỗ trợ các học viên đang cai nghiện và người sau cai nghiện tăng cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm, ổn định cuộc sống khi trở về tái hòa nhập cộng đồng. Đây cũng là giải pháp thiết thực nhất cho các học viên có niềm tin vững chắc, có nghị lực bỏ qua mọi mặc cảm để vươn lên trong cuộc sống và phòng chống tái nghiện hiệu quả./.