Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATGT
Không khí các buổi ngoại khóa tuyên truyền chuyên đề về pháp luật an toàn giao thông sôi động, cuốn hút.

Những tiểu phẩm kịch ngắn về tình huống giao thông cụ thể, những câu chuyện dí dỏm, hay những câu hỏi gợi mở, chứa đựng khối kiến thức cơ bản, thiết thực về an toàn giao thông được truyền đạt dễ hiểu, dễ nhớ khiến cho không khí các buổi ngoại khóa tuyên truyền chuyên đề về pháp luật an toàn giao thông thêm phần sôi động, cuốn hút.

Em Đỗ Ngọc Ánh - Lớp 11A1, trường THPT Trần Quốc Tuấn cho biết: "Ở trên lớp chúng em cũng đã được tìm hiểu về an toàn giao thông, nhưng nó là những khối kiến thức khá khô khan. Những buổi giao lưu tìm hiểu pháp luật an toàn giao thông như thế này rất thu hút vì có lối truyền đạt và sân khấu hóa mang đến rất là nhiều câu chuyện dí dỏm và không kém phần ý nghĩa. Từ đây chúng em đúc kết được nhiều kinh nghiệm khi tham gia giao thông".

Em Đỗ Như Ngọc, Lớp Anh 12A1, trường THPT Chuyên Thái Nguyên cho biết: "Đầu tiên hiểu biết về luật giao thông, chấp hành đúng luật giao thông cũng là thể hiện sự tôn trọng bản thân, tôn trọng gia đình, tôn trọng xã hội. Từ đó sẽ có ý thức để chấp hành và chấp hành đúng".

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATGT

Còn đối với các sinh viên này, không chỉ là tuyên truyền viên tích cực về an toàn giao thông, mà giờ họ còn trực tiếp góp phần duy trì trật tự an toàn giao thông khu vực trường học, khi trở thành thành viên của tổ tự quản cổng trường an toàn giao thông. Đây là cách để các sinh viên áp dụng kiến thức được trang bị vào các tình huống giao thông cụ thể.

Anh Đỗ Thanh Tùng, Tổ trưởng Tổ tự quản, Cổng trường An toàn giao thông, trường Cao đẳng Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi thường xuyên có mặt tại cổng trường trước và sau giờ học để giúp đỡ các đồng chí công an trong việc giảm tải tình trạng ùn tắc tại cổng trường, và tuyên truyền cho học sinh, sinh viên, phụ huynh về văn hóa giao thông, luật giao thông đường bộ".

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền về ATGT

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 700 cơ sở giáo dục, với trên 340 nghìn học sinh, sinh viên. Theo thống kê, trong số gần 20.800 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT trong 8 tháng đầu năm, có tới 30% trường hợp vi phạm là trong độ tuổi thanh, thiếu niên. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về ATGT, việc đa dạng hóa hình thức tuyên truyền là rất cần thiết.

Thiếu tá Nguyễn Nam Hưng, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Một số những biện pháp tuyên truyền phù hợp với những xu thế phát triển của xã hội như tuyên truyền qua hình thức trực tuyến, kênh truyền, qua mạng. Bên cạnh đó đối với những buổi tuyên truyền trực tiếp như thế này, chúng tôi cũng đổi mới cái hình thức và nội dung tuyên truyền, phải làm cho gần gũi, dễ hiểu dễ nghe".

Đa dạng hóa hình thức tuyên truyền là giải pháp hiệu quả nhằm xây dựng văn hóa giao thông từ môi trường học đường không chỉ góp phần xây dựng những công dân gương mẫu cho xã hội, mà còn góp phần hướng tới một môi trường giao thông an toàn.