Cuộc sống mới ở Tam Va
Chiều hè, đồng bào Mông ở xóm Tam Va bây giờ có thể ngồi bên nhau thảnh thơi nghe thổi sáo

3 năm trước đây, tại khu tái định cư xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên, nỗi buồn lo thường trực của đồng bào Mông ở đây là “cơn khát” nước sinh hoạt hằng ngày.

Sau 3 năm trở lại, chúng tôi đã được chứng kiến một cuộc sống ở Tam Va khác xưa rất nhiều. Nước sạch với hệ thống vòi, máy bơm đã hoạt động bình thường và nước đã về tận cửa nhà của mỗi gia đình.

Với những thanh niên trẻ như anh Lý Văn Hồng, việc đi “cõng nước” hằng ngày ở tận xa, rất vất vả giờ đã không còn là nỗi lo khi anh vắng nhà.

Anh Lý Văn Hồng, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Nếu mình không ở nhà thì phụ nữ phải đi cõng nước sẽ rất vất vả. Bây giờ thì vòi nước về đến cửa rồi".

Sau 1 ngày đi làm đồng vất vả trở về, với chị Đào Thị Đông, có nước để lau mặt, rửa chân tay… là điều khiến chị quên hết nắng nóng và ngày càng có niềm tin vào chính quyền hơn.

Chị Đào Thị Đông, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ niềm vui: “Phấn khởi lắm, so với trước kia không có nước ở gần vất vả lắm”.

Khu tái định cư Tam Va nằm cách bản Mỏ Nước khoảng 3km thuộc Dự án di dân vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở đất núi, được xây dựng nằm ở xóm Tam Va của xã. Tổng kinh phí của dự án là trên 54 tỷ đồng, nguồn vốn từ sự hỗ trợ của Trung ương và tỉnh, huyện. Dự án đảm bảo cho 60 hộ có nhà ở vùng thiên tai có nguy cơ sạt lở, trong đó có 28 hộ người dân tộc Mông ở bản Mỏ Nước và 32 hộ dân của xóm Tam Va.

Bên cạnh các hệ thống đường, điện thì dự án đảm bảo hệ thống cấp nước sinh hoạt phục vụ đủ nhu cầu cho 110 hộ dân. Trong quá trình tổ chức thực hiện, các dự án đều xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của bà con và được thực hiện công khai, dân chủ nên được nhân dân hưởng ứng, ủng hộ.

Hiện đã có hơn 50 hộ đến ở và cuộc sống ngày càng ổn định hơn trước. Những vị trí sạt lở sau khi có ý kiến nhiều lần, giờ cũng đã được ngành chức năng kè đá để đảm bảo an toàn cho cuộc sống của người dân.

Tuy vậy, người dân Tam Va vẫn đã và đang khát vọng về cuộc sống tốt đẹp và ổn định hơn.

Cuộc sống mới ở Tam Va
Hiện tại, sớm hoàn thiện kè đá, hỗ trợ thêm đất sản xuất và xây dựng nghĩa trang là 3 điều mà người dân Tam Va mong muốn nhất

Chị Ngô Thị Sen, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ mong muốn: “Làm thế nào xây kè để tránh lở xuống nhà của dân. Dân đỡ lo lắng. Phía trên kia sạt lở nhiều hơn. Mong nhà nước xây kè lên cho chắn chắn để dân yên tâm”.

Anh Dương Văn Hồng, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ thì đề nghị: “Người dân kiến nghị về đất đai xem Nhà nước hỗ trợ có thêm 1-2 sào đất cho mỗi gia đình để sản xuất đỡ khó khăn”.

Ông Ngô Văn Giàng, xóm Tam Va, xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: “Trước ở đây rất khó khăn về điện nước, nhưng giờ thì đủ nước sạch rồi, điện có rồi, dân rất phấn khởi. Nhưng vẫn mong có thêm đất để canh tác, làm ăn. Thứ 2 là 1 diện tích đất để làm nghĩa trang an táng. Đây là điều cũng rất quan trọng với bà con”.

Ông Trương Công Hiển, Chủ tịch UBND xã Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: “Chúng tôi rất trăn trở từ khi thực hiện dự án này là cần có 1 diện tích đất quy hoạch làm nghĩa trang để đảm bảo vấn đề an táng cho những người quá cố. Xã đã có kiến nghị và đăng ký về tiêu chí môi trường, đề nghị UBND huyện bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng làm nghĩa trang chung của xã cũng như của khu vực 5 xóm đó”.

Một khu tái định cư bằng phẳng, một con đường bê tông rộng mở đến tận nhà, cái điện, cái nước đã cơ bản đầy đủ, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con... Đó là tiền đề vững chắc tạo cơ sở để từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững cho đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đồng Hỷ nói riêng và tỉnh Thái Nguyên nói chung. Song những mong mỏi của bà con vẫn rất cần được các cấp, các ngành quan tâm để bà con yên tâm ổn định và gắn bó lâu dài với nơi này./.