cong tac dan van la nhiem vu cua ca he thong chinh tri
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình nhấn mạnh, công tác dân vận nói chung và công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp luôn nhận được sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để thực hiện công tác dân vận chính quyền thiết thực và hiệu quả, ngày 11/10/2016, Ban Cán sự Đảng Chính phủ đã ký với Ban Dân vận Trung ương Chương trình phối hợp số 79-CTr/BDVTW-BCSĐCP về công tác dân vận giai đoạn 2016-2021. Theo đó, hằng năm Ban Cán sự Đảng Chính phủ ban hành kế hoạch hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện. Cuối năm, tổ chức hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả thực hiện các nội dung trong chương trình phối hợp mà hai bên đã ký kết.

Theo Phó Thủ tướng, công tác dân vận là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, liên quan tới tất cả mọi người dân. Vì vậy, việc xác định rõ các đối tượng, phạm vi, nội dung, phương thức thực hiện công tác dân vận chính quyền để phù hợp với từng đối tượng, từng giai đoạn, đóng một vai trò quan trọng.

7 giải pháp đối với công tác dân vận chính quyền

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, cần đi sâu nghiên cứu và quyết tâm thực hiện hiệu quả một số giải pháp sau:

Thứ nhất, Đảng lãnh đạo công tác dân vận chính quyền phải xác định rõ vai trò của nhân dân, của công tác dân vận nói chung và công tác dân vận chính quyền nói riêng. Về vai trò của nhân dân phải phát huy tư tưởng “lấy dân là gốc” đã được cha ông ta đúc kết trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trong thời đại Hồ Chí Minh, “lấy dân làm gốc” đã trở thành kim chỉ nam trong mỗi hành động của Ðảng, của chính quyền, của cán bộ các cấp: “Nước lấy dân làm gốc. Gốc có vững cây mới bền”, “Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Thứ hai, xây dựng “chính quyền kiến tạo, dân vận kiến tạo”. Việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động và phục vụ tạo ra thể chế quản trị hiệu quả, một Chính phủ mạnh, một nền công vụ tinh gọn, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì phải luôn sáng tạo và lấy sự cống hiến, phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, thân thiện và phục vụ người dân.

Không chỉ xây dựng một Chính phủ kiến tạo, chúng ta nên tiến đến xây dựng chính quyền kiến tạo, trong đó kết hợp với việc thực hiện công tác dân vận chính quyền một cách đổi mới, kiến tạo. Chính quyền kiến tạo hướng đến xây dựng một nhà nước phục vụ, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân vận chính quyền sẽ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của một nhà nước kiến tạo phục vụ, từ đó thấy rõ trách nhiệm của cá nhân mình hơn, để công tác dân vận chính quyền cũng phải trở nên kiến tạo đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập quốc tế.

cong tac dan van la nhiem vu cua ca he thong chinh tri
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Thứ ba, Đảng lãnh đạo công tác dân vận chính quyền phải gắn với thực hiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Đây là nội dung đặc biệt cần quan tâm, mỗi cơ quan quản lý nhà nước có một chức năng nhiệm vụ riêng được phân công rõ ràng, phạm vi quản lý, đối tượng và nội dung quản lý cụ thể là khác nhau. Vì vậy, cần nghiên cứu đặc điểm từng chức năng quản lý của các cơ quan đơn vị để có phương pháp lãnh đạo dân vận phù hợp và hiệu quả.

Dân vận chính quyền trên lĩnh vực kinh tế sẽ khác dân vận chính trên các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng... Cần đặc biệt quan tâm đến việc dân vận gắn với chức năng nhiệm vụ quản lý của từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Thực hiện được điều này chúng ta sẽ tránh được tính hình thức chung chung của công tác dân vận, mà lâu nay nhiều ngành, nhiều địa phương đang gặp phải.

Thứ tư, thực hiện công tác dân vận chính quyền là nhiệm vụ của toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ ai (lực lượng) làm công tác dân vận là: “Tất cả cán bộ chính quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả hội viên của các tổ chức nhân dân đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, lực lượng làm công tác dân vận không chỉ là những người chuyên trách công tác này, mà rất đông đảo, với nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia.

Lực lượng làm công tác dân vận là lực lượng của cả hệ thống chính trị, trước hết là của chính quyền. Do đó, cần làm công tác tư tưởng để mỗi cán bộ đảng viên, công chức hiểu rõ được trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ dân vận, coi đó là trách nhiệm, là nhiệm vụ công vụ của mỗi cá nhân. Cá nhân cán bộ, công chức phải có ý thức nghiên cứu để phát huy nguồn lực dân vận từ chức năng quản lý nhà nước của mình, có như thế lực lượng làm công tác dân vận mới phát huy hết được năng lực khả năng của mình, từ đó mới phát huy hết được sức lực, lực lượng của quần chúng nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phải có phương pháp làm công tác dân vận. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra phương pháp dân vận nói chung với những yêu cầu rất cụ thể với cán bộ, công chức thực hiện công tác dân vận. Người đúc kết thành 12 từ: “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

Thứ năm, gắn việc thực hiện dân vận chính quyền với việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, gắn với hoạt động chức năng nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị và địa phương. Dân vận chính quyền nên được xây dựng trở thành một trong những tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động quản lý thực hiện nhiệm vụ chính trị-kinh tế-xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương vì có dân vận tốt thì các hoạt động quản lý, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của ngành, của địa phương mới tốt.

Thứ sáu, công tác dân vận chính quyền phải đảm bảo thực hành dân chủ rộng rãi nhất trong hoạt động của các cơ quan chính quyền các cấp, thực hành dân chủ XHCN, thực hành dân chủ trong xã hội. Có dân chủ mới phát huy được lòng hăng hái, mới nảy nở nhiều sáng kiến, mới thúc đẩy sự sáng tạo vượt khó. Dân tin tưởng, dân giúp đỡ, dân ủng hộ, dân bảo vệ, dân yêu mến thì mọi khó khăn đều vượt qua được.

Thứ bảy, chất lượng hiệu quả công tác dân vận chính quyền phải được đánh giá bởi chất lượng, hiệu quả của công tác lãnh đạo, quản lý và đổi mới nội dung phương thức vận động nhân dân của cấp chính quyền.

cong tac dan van la nhiem vu cua ca he thong chinh tri
Ảnh: VGP/Lê Sơn

Để hình ảnh cán bộ, công chức đẹp hơn trong mắt người dân

Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá, đề ra giải pháp cho công tác dân vận của cơ quan hành chính nhà nước và chính quyền các cấp trong 6 tháng đầu năm 2020 và những tháng cuối năm 2020.

Phát biểu kết luận hội nghị, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai nhấn mạnh: Mỗi cơ quan, đơn vị, cá nhân cần nhận thức được trách nhiệm của mình với dân. Làm tốt công việc của mình với dân cũng chính là đang làm tốt công tác dân vận chính quyền. Điển hình là kết quả to lớn trong phòng chống dịch bệnh COVID-19 chính là thành công lớn nhất của công tác dân vận chính quyền trong 6 tháng đầu năm 2020.

Về việc thực hiện 6 nội dung của dân vận chính quyền, Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng và nỗ lực, nhất là trong công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, nhiều vụ việc do lãnh đạo Chính phủ trực tiếp giải quyết đã đem lại kết quả khả quan.

“Qua công tác dân vận chính quyền, hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức đẹp hơn trong mắt người dân, người dân quan tâm tham gia góp ý để xây dựng chính quyền ngày càng tốt hơn”, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đánh giá.

Trên cơ sở đó, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị các cơ quan cần tiếp tục nâng cao chất lượng các nội dung trong công tác dân vận chính quyền, tìm xem động lực gì để người dân gắn bó, tham gia với các hoạt động của chính quyền. “Đó là, chúng ta phải phát huy quyền làm chủ của dân, quan tâm thực sự đến quyền và lợi ích chính đáng của dân, tạo sự đồng thuận để nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động của đất nước”, Trưởng Ban Dân vận nêu rõ.

Đồng thời, làm sao những mô hình hay, điển hình khéo trong công tác dân vận có sức lan toả mạnh mẽ hơn, xã hội nhìn thấy những điều tích cực, người dân tin yêu hơn đối với cán bộ, công chức. Do vậy, Ban Dân vận Trung ương sẽ tổ chức tôn vinh những điển hình dân vận chính quyền vào cuối năm nay./.