Chuyện về những giáo viên tình nguyện lên bản Tèn dạy chữ
Cô giáo Đỗ Thị Tình đã có gần 10 năm gắn bó với các em học sinh tại Bản Tèn

Từng câu, từng từ trong tiếng Việt đang được cô giáo Đỗ Thị Tình truyền đạt đến các em lớp mẫu giáo 4 - 5 tuổi ở điểm trường Bản Tèn. Giao tiếp với các em đã khó, dạy chữ, dạy tiếng Việt cho các học sinh dân tộc Mông này lại khó khăn hơn đối với cô Tình. Gần 10 năm công tác tại các điểm trường và gắn bó với học sinh người dân tộc thiểu số, điểm trường Bản Tèn vẫn luôn là điểm đến để cô dừng lại lâu nhất. Gần 10 năm gắn bó đồng nghĩa với từng đấy thời gian là giáo viên hợp đồng, đồng nghĩa với việc phải đi lại khó khăn, nhưng tình yêu với nghề, với trẻ đã tiếp thêm ý chí để cô gắn bó với điểm trường này.

Cô giáo Đỗ Thị Tình, Điểm trường Bản Tèn, Trường Mầm non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ chia sẻ: "Tôi mới thi đỗ được công chức và tôi cảm thấy rất vui, có thêm nhiều động lực để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nhiều hơn."

Chuyện về những giáo viên tình nguyện lên bản Tèn dạy chữ
Thầy Lưu Quốc Quân đã cùng nhiều thầy cô giáo khác quyết tâm đưa con chữ sinh sôi trên vùng này

Còn đối với thầy giáo Lưu Quốc Quân, trong gần 20 năm công tác tại các điểm trường vùng khó, thầy là một trong giáo viên đến với điểm trường Bản Tèn ngay từ những ngày đầu thành lập. Trong từng ấy thời gian, phải đối mặt với những khó khăn do giao thông đi lại, bất đồng ngôn ngữ, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn... nhưng với tình yêu nghề, thầy Quân đã cùng nhiều thầy cô giáo khác quyết tâm đưa con chữ sinh sôi trên vùng này.

Thầy giáo Lưu Quốc Quân, Điểm trường Bản Tèn, Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Trên lớp các em học sinh sẽ nói tiếng Việt còn khi ra chơi các em nói tiếng dân tộc Mông. Thông qua các câu chuyện, giới thiệu cho các em một số đồ dùng học tập giúp các em nắm bắt và trao đổi giữa thầy trò ngày một dễ hơn."

"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất", thấm nhuần những lợi dạy đó của Bác, những thầy cô giáo đã và đang gắn bó với Bản Tèn suốt những năm vừa qua đã phát huy vai trò, trách nhiệm để tích cực đổi mới hình thức, nội dung dạy học tại điểm trường. Thông qua nhiều thiết bị dạy học hiện đại được đầu tư, qua nhiều trò chơi, trải nghiệm trong và ngoài giờ học, các học sinh tại điểm trường đã học tốt hơn, nói tiếng Việt rõ hơn và thêm gắn bó với điểm trường.

Em Vương Thiên Hiệu, Điểm trường Bản Tèn, trường Mần non Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ nói: "Con học ở đây rất thích, con được học múa, học hát, được chơi và nói chuyện cùng các bạn."

Cô giáo Đinh Thị Thuỷ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Văn Lăng, huyện Đồng Hỷ cho biết: "Những hôm thời tiết mưa gió thì các em không thể đến trường được thì những hôm đấy thầy cô chỉ có thể ôn lại kiến thức cũ chứ không dạy bài mới. Và các buổi chiều giáo viên thường xuyên phải bổ túc tiếng Việt cho các em thông qua các hoạt động ôn luyện, hoạt động ngoài trời."

Điểm trường Bản Tèn có gần 200 học sinh người dân tộc Mông theo học ở bậc học mầm non và tiểu học thì 100% học sinh đều thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bên cạnh sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước và của tỉnh thì những đóng góp của các thầy cô giáo đã từng bước nâng cao chất lượng giáo dục tại điểm trường. Mỗi giáo viên khi đến với điểm trường đều mang theo trái tim nhiệt huyết để con chữ đã, đang và sẽ tiếp tục được sinh sôi trên những vùng đất khó./.