Chuyện của những chiến sĩ áo trắng trở về từ tâm dịch
Trái ngọt của những nỗ lực giành giật sự sống cho người bệnh chính là sự phục hồi kỳ diệu của những người bệnh COVID-19.

Bác sĩ Phạm Văn Khang, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: "Có bệnh nhân mang thai đôi không may bị mắc COVID-19 chuyển đến trung tâm trong tình trạng nguy kịch, phải can thiệp tim phổi nhân tạo (can thiệp ECMO) hơn 40 ngày. Nhờ sự nỗ lực của các y, bác sĩ, bệnh nhân đã may mắn thoát khỏi lưỡi hái tử thần". Đó chỉ là 1 trong số hàng chục ca cấp cứu nguy kịch mà bác sĩ Phạm Văn Khang cùng các đồng nghiệp phải trải qua trong gần 80 ngày ở giữa tâm dịch. Trái ngọt của những nỗ lực giành giật sự sống cho người bệnh chính là sự phục hồi kỳ diệu của những người bệnh COVID-19.

Bác sĩ Phạm Văn Khang, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Khi bệnh nhân ở giữa ranh giới sự sống và cái chết, những bệnh nhân vượt qua được khiến cho chúng tôi có thêm sức mạnh cứu chữa cho những người bệnh tiếp theo".

Bữa cơm gia đình ấm cúng đã từng là niềm mơ ước, mong mỏi suốt hơn 3 tháng ở giữa tâm dịch của kỹ thuật viên Phan Hoàng Tuấn, Khoa Miễn dịch - Di truyền phân tử, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Ở hậu phương, người vợ, người đồng nghiệp của anh Tuấn là chị Nguyễn Thị Phương Thảo – cũng là 1 cán bộ y tế đã gánh vác công việc gia đình cũng như tham gia tích cực vào công tác phòng, chống dịch. Cứ thế trong suốt 3 tháng liền, dù gia đình người Nam kẻ Bắc, song nghị lực của những người chiến sĩ áo trắng và niềm tin vào một ngày đẩy lùi dịch bệnh đã tiếp sức cho họ vượt qua mọi khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Phương Thảo, Phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi cũng động viên chồng giữ gìn sức khỏe, đảm bảo an toàn cho bản thân để cùng với đồng nghiệp tham gia chống dịch".

Chuyện của những chiến sĩ áo trắng trở về từ tâm dịch
Ở tâm dịch Long An, chị Nguyễn Thị Minh Tâm đảm đương một nhiệm vụ rất đặc biệt - chiến sĩ tuyên truyền nơi tuyến đầu chống dịch.

Không mang trên mình chiếc áo blouse trắng, ở tâm dịch Long An, chị Nguyễn Thị Minh Tâm lại đảm đương một nhiệm vụ rất đặc biệt - chiến sĩ tuyên truyền nơi tuyến đầu chống dịch. Hàng chục tin bài với những góc nhìn chân thực về sự khắc nghiệt và cuộc chiến sinh tử giữa tâm dịch đã đến được với khán giả - đó là thành quả lớn nhất của những ngày làm báo giữa tâm dịch, với những hiểm nguy cận kề và điều kiện tác nghiệp đặc biệt khó khăn.

Chị Nguyễn Thị Minh Tâm, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Ở trong tâm dịch, tôi chỉ có đúng 1 chiếc điện thoại để tác nghiệp, tôi luôn nỗ lực cố gắng để những thước phim đến với công chúng, với nhân dân được trọn vẹn nhất".

Đó chỉ là 3 trong số hàng trăm câu chuyện của những cán bộ, y, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã lên đường tiếp sức cho miền Nam ruột thịt những ngày dịch diễn biến phức tạp. Trí tuệ, sức trẻ và trách nhiệm của những chiến sĩ áo trắng trong tâm dịch đã góp thêm niềm tự hào trong chặng đường phát triển và lớn mạnh của một bệnh viện hạng đặc biệt trên toàn quốc.

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên ghi nhận về những thành tích đã đạt được trong suốt quá trình chống dịch. Tôi cho rằng sự động viên kịp thời đó là sự khích lệ để nếu như dịch bệnh còn tiếp tục, các chiến sĩ áo trắng sẽ tiếp tục lên đường và nguyện làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao cho đó là chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân".

Ông Phạm Tấn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh: "Lãnh đạo tỉnh Long An gửi lời tri ân sâu sắc và chúc các đồng chí luôn mạnh khỏe để giúp cho người bệnh sớm hồi phục sức khỏe về với gia đình, kiểm soát được dịch bệnh trong tình hình hiện nay".

Cuộc chiến chống dịch vẫn còn đó nhiều thử thách, trở về từ tâm dịch, các cán bộ, y, bác sĩ tận tình cứu chữa và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong những diễn biến mới của dịch bệnh, với tâm thế của người chiến sĩ áo trắng đã sẵn sàng lên tuyến đầu trong những cuộc chiến mới có thể gian khổ và hiểm nguy hơn./.