Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc - mở cơ hội kết nối phát triển du lịch
Toàn cảnh chương trình.

Chương trình là hành trình khám phá những nét độc đáo trong âm nhạc và sắc màu văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc vùng Việt Bắc được chuyển tải qua các tiết mục nghệ thuật, các màn trình diễn trang phục đặc trưng của các dân tộc trong vùng. Thông qua chương trình, dấu ấn về mảnh đất và con người, các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể Việt Bắc được tôn vinh, giới thiệu đến đông đảo công chúng.

Như vậy, sau 3 ngày diễn ra, Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc đã hoàn thành các nội dung đề ra. Thông qua các sự kiện được tổ chức, tỉnh Thái Nguyên với vai trò là chủ nhà đã hoàn thành nhiệm vụ của địa phương trong việc tạo ra cơ hội kết nối, tiếp tục định vị thương hiệu du lịch vùng Việt Bắc, thu hút đầu tư và xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính liên kết vùng góp phần đưa du lịch Việt Bắc phát triển trong những năm tới.

Bà Nguyễn Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên, Phó ban Tổ chức cho biết: "Chúng tôi đón nhận được ý kiến của các doanh nghiệp du lịch đóng góp cho Thái Nguyên về việc nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch của Thái Nguyên và sự kết nối du lịch của Thái Nguyên với các thị trường du lịch, cần phải điều chỉnh như thế nào cho phù hợp và thu hút được du khách, đó là vấn đề chúng tôi đặt ra".

Chương trình du lịch Qua những miền di sản Việt Bắc - mở cơ hội kết nối phát triển du lịch
Khu du lịch Hồ Núi Cốc - địa điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thái Nguyên.

Du lịch Việt Bắc có lợi thế là vùng đất giàu di sản với nhiều địa danh nổi tiếng trong lịch sử, văn hóa với nhiều di sản vật thể và phi vật thể độc đáo. Nơi đây còn được biết đến là miền đất non xanh nước biếc, sơn thủy hữu tình và con người mộc mạc, thân thiện, mến khách. Khai thác những giá trị lịch sử, văn hóa mang tính đặc thù của đất và người Việt Bắc với sự đa dạng trong văn hóa của cộng đồng dân tộc Tày, Nùng, Mông, Dao, Sán Dìu, Sán Chay… chắc chắn sẽ mở ra cơ hội đẩy mạnh hợp tác, liên kết giữa các tỉnh trong vùng và cả nước.

Bà Tống Thị Đàm Hương, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Cao Bằng cho hay: "Mỗi tỉnh đều có thế mạnh riêng về du lịch, có nơi thế mạnh về di tích lịch sử, có nơi thế mạnh về điểm du lịch, có nơi thế mạnh về nhân sự, con người và đào tạo. Tôi hy vọng hoạt động này sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới, bởi tôi thấy hiệu quả rất lớn trong việc kết nối du lịch".

Ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế SVN thông tin: "SVN đang khai thác các hoạt động trải nghiệm, các chương trình tuyến điểm với những điểm di tích lịch sử để giáo dục về giá trị lịch sử, hiện nay đang phát triển nhóm sản phẩm này rất hiệu quả".

Với cơ chế tổ chức luân phiên, chương trình Qua những miền di sản Việt Bắc lần thứ 13 sẽ được tổ chức tại tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, với những kết quả của lần tổ chức thứ 12 tại Thái Nguyên, du lịch qua những miền di sản Việt Bắc chắc chắn đã và sẽ tạo ra những ấn tượng độc đáo, riêng biệt về một vùng đất giàu tài nguyên và tiềm năng./.