Chủ động với dịch tả lợn châu Phi
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại 3 địa phương và đã tiêu huỷ 253 con lợn, với tổng trọng lượng trên 9,5 tấn.

Khi người chăn nuôi Thái Nguyên chưa kịp vui mừng vì giá lợn tăng cao, dịch tả lợn châu Phi tạm thời lắng xuống thì dịch đã quay trở lại vào đúng thời điểm cuối năm, tại những vùng trọng điểm chăn nuôi của tỉnh là TX. Phổ Yên và TP. Sông Công. Đợt dịch tả lợn Châu Phi này cũng ghi nhận những ổ dịch tại huyện Định Hóa - huyện vùng núi của tỉnh, cảnh báo những nguy cơ tiềm ẩn khi đây cũng là mùa cao điểm của dịch. Chúng ta hãy nhìn lại những thiệt hại lớn mà đợt dịch tả lợn châu Phi trước đã gây ra cho tỉnh Thái Nguyên.

Dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên từ ngày 5/3/2019 gây thiệt hại rất lớn, dịch bệnh bùng phát ở tất cả các xã, phải buộc tiêu hủy hơn 158 nghìn con lợn, với trọng lượng hơn 9 nghìn tấn. Ngân sách tỉnh và Trung ương hỗ trợ gần 328 tỷ đồng cho việc phòng, chống dịch, trong đó hỗ trợ cho nhân dân có lợn bị tiêu hủy gần 266 tỷ đồng. Đến ngày 21/1/2020, toàn tỉnh có 175/175 xã có dịch đã qua 30 ngày không có lợn ốm chết và đến ngày 7/2/2020, toàn tỉnh đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi ở tất cả các xã, nhưng việc khôi phục chăn nuôi lợn, tái đàn thời gian qua diễn ra chậm và đang gặp nhiều khó khăn.

Ngành chăn nuôi tỉnh cho biết: Tổng đàn lợn trên địa bàn tỉnh hiện nay là hơn 617 nghìn con, tăng 22% so với cùng kỳ, tuy nhiên, chỉ bằng gần 95% kế hoạch. Điều đó cho thấy, tái đàn, khôi phục chăn nuôi còn khó khăn, đặc biệt trước tình hình dịch bệnh như hiện nay.

Với kinh nghiệm đã được áp dụng thành công, trước tình hình bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn có chiều hướng diễn biến phức tạp, ngành chức năng cùng chính quyền các địa phương trong tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp khống chế, không để dịch lây lan trên diện rộng.

Gia đình ông Đỗ Minh Phương, ở xóm Bá Vân 1, xã Bình Sơn, TP. Sông Công vừa phải tiêu hủy 63 con lợn bị mắc bệnh tả lợn châu Phi theo đúng quy trình. Để ngăn chặn dịch bùng phát, những ngày này, gia đình ông đã phun hóa chất tiêu độc, khử trùng theo quy định của các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương. Ông Phương chia sẻ: “Đến giờ phút này, tôi nghĩ rằng, việc chăn nuôi nếu không chấp hành, tuân thủ theo các nguyên tắc thì khó khăn lắm”.

Còn tại Phổ Yên, từ ngày 27/10 đến 9/11 vừa qua, gần 150 con lợn của gần 100 hộ dân thuộc 11 xã đã bị tiêu huỷ. Phổ Yên là địa phương có số lợn mắc bệnh tả lợn châu Phi phải tiêu huỷ nhiều nhất trên địa bàn tỉnh, trong đó, Đông Cao là địa phương đầu tiên công bố dịch. Do vậy, khoanh vùng, dập dịch đang được chính quyền và người dân đặc biệt quan tâm.

Ông Vũ Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Cao, TX. Phổ Yên cho biết: “Tập trung cung cấp vôi bột, hóa chất, và chỉ đạo người dân ngày phun thuốc 2 lần để khử trùng tiêu độc”.

Ông Nguyễn Văn Hiến, Trưởng phòng Kinh tế, TX. Phổ Yên, thông tin thêm: “Phòng Kinh tế chúng tôi đã chỉ đạo đến tất cả các xã, phường, tiến hành tổ chức thống kê, kiểm kê lại toàn bộ đàn lợn trên địa bàn; hướng dẫn tập huấn kỹ thuật để chăn nuôi đàn lợn đảm bảo sức khỏe để kháng trị được một số loại bệnh. Khi đã phát hiện có bệnh, tiến hành phân loại đàn, những con mà đã bị ốm chết thì tiến hành thiêu hủy theo đúng quy trình”.

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã phát hiện dịch tả lợn châu Phi tại 3 địa phương và đã tiêu huỷ 253 con lợn, với tổng trọng lượng trên 9,5 tấn.

Ông Đỗ Đình Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đưa ra khuyến cáo: “Khuyến cáo trước tiên là các hộ chăn nuôi thực hiện chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh và thực hiện theo đúng chỉ dẫn, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, chuyên ngành cấp tỉnh cấp địa phương. Và đặc biệt, người dân phải thực hiện khai báo, kê khai theo đúng quy định Thông tư 23 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc khai báo, kê khai với chính quyền địa phương trước khi thực hiện tái đàn và nhập đàn về. Điều nữa là khi bà con phát hiện ra lợn có dấu hiệu ốm hoặc chết, phải nhanh chóng báo cáo với chính quyền địa phương để cơ quan chuyên môn đến lấy mẫu và phân tích. Tiếp theo là có biện pháp xử lý dịch kịp thời”.

Theo các chuyên gia, một trong những phương án dập dịch hiệu quả nhất chính là kiểm soát nghiêm ngặt việc bán “chạy” lợn từ vùng dịch ra bên ngoài. Tức là kiểm soát nghiêm ngặt việc buôn bán vận chuyển. Việc này cũng đang được ngành nông nghiệp tỉnh chỉ đạo, ngay cả ở những địa phương chưa có dịch, nhưng tiểm ẩn nguy cơ.

Chủ động với dịch tả lợn châu Phi
Chốt kiểm dịch xã Bình Long, huyện Võ Nhai tăng cường các hoạt động kiểm soát dịch bệnh.

Xã Bình Long, huyện Võ Nhai vị trí tiếp giáp với xã Hữu Lũng của tỉnh Lạng Sơn. Vào thời điểm này mặc dù chưa có dịch bệnh trên đàn vật nuôi nhưng trước nguy cơ tiềm ẩn, chốt kiểm dịch, tiêu trùng khử độc cũng được lập nên để kiểm soát việc vận chuyện động vật qua địa bàn giáp ranh.

Ông Long Văn Lưu, Chủ tịch UBND xã Bình Long cho biết: “Tháng 11/2020, chưa có dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã thành lập các chốt và các tổ kiểm tra lưu động trên địa bàn xã để kiểm tra các hoạt động vận chuyển và có kế hoạch phối hợp với công an giao thông của huyện để kiểm tra, tuần tra trên địa bàn theo quy định; phân công nhiệm vụ cho các thành viên”.

Ông Hoàng Quốc Trung, Chốt trưởng Chốt kiểm dịch xã Bình Long nhấn mạnh: “Các phương tiện vận chuyển gia súc, gia cầm và đặc biệt là đại gia súc, khi qua chốt đây, bắt buộc các xe phải dừng để chúng tôi kiểm tra, thực hiện nhiệm vụ. Nếu đủ điều kiện, chúng tôi sẽ phun thuốc sát trùng và cho xe đi qua”.

Dập dịch những vẫn phải đảm bảo cho việc phát triển kinh tế, chăn nuôi của nhân dân. Đây là một vấn đề khó, nhưng không phải là không thể thực hiện. Thực tế trong đợt dịch tả lợn Châu Phi trước, đã có nhiều hộ, trại chăn nuôi thực hiện nghiêm túc việc cách ly, phòng dịch, an toàn sinh học theo đúng hướng dẫn nên đã không nhiễm dịch bệnh, đồng thời tái đàn thành công.

Theo Hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Đối với lợn khỏe mạnh trong cùng ô chuồng, dãy chuồng với lợn mắc bệnh, được lấy mẫu và có kết quả xét nghiệm âm tính với mầm bệnh dịch tả lợn Châu Phi thì được nuôi cách ly hoặc giết mổ tại địa bàn cấp huyện. Vào thời điểm này, việc nhanh chóng tiêu hủy những ca lợn bệnh, tiêu trùng khử độc, tái đàn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y, sẽ giúp giữ được đàn nái và tái đàn thành công. Điều đó cũng được thể hiện tại các trại lợn, không chỉ đảm bảo công tác phóng dịch mà đảm bảo được lợi ích cho cả người chăn nuôi cũng như tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khi không phải thực hiện hỗ trợ.

Chủ động với dịch tả lợn châu Phi
Người chăn nuôi hiện rất chú ý công tác tiêu trùng, khử độc, vệ sinh chuồng trại.

Chị Lê Thị Kim, thị trấn Hương Sơn, huyện Phú Bình chia sẻ: “Đợt trước vào được 2 lứa thì cũng bù lại trước bị tả lợn châu Phi. Đợt đấy vào giá giống thấp, giá bán cao”.

Còn Anh Tạ Đức Tình, xóm Rùa, xã Đông Cao, TX. Phổ Yên, cho rằng việc thực hiện công tác khử trùng là rất quan trọng: “Trong trại mà một ô nào đó bị là phải bỏ 1,2 ô cách ra và mỗi ngày phun thuốc sát trùng, và vôi bột 2 ô không chăn lợn gần đó là phải ngập ủng. Trong đó, những lối đi thì phun nước ướt và rắc vôi bột cho phát huy tác dụng”.

Hiện nay, vẫn chưa có vắc-xin cũng như thuốc điều trị bệnh dịch tả lợn châu Phi. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì ý thức chủ động phòng bệnh của mỗi người dân, đặc biệt là người chăn nuôi đóng vai trò quan trọng trong khống chế dịch bệnh, đảm bảo an toàn cho đàn vật nuôi. Các hộ chăn nuôi cần tuyệt đối tránh tình trạng chủ quan, đặc biệt là dấu dịch và cố tình tiêu thụ lợn bệnh. Bởi việc này sẽ khiến dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng. Cùng với đó, khi đầu tư tái đàn, duy trì sản xuất, người dân phải đảm bảo an toàn dịch bệnh và khai báo số lượng vật nuôi với chính quyền địa phương để thuận tiện cho việc kiểm soát dịch bệnh. Đó chính là chỉ đạo chung của ngành nông nghiệp Thái Nguyên và được thực hiện nghiêm túc ở thời điểm này.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh các giải pháp: “Sở Nông nghiệp cũng đã chủ động, có văn bản triển khai, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp: Thực hiện tốt tình hình giám sát dịch bệnh trên địa bàn; trên cơ sở đó, kịp thời phát hiện, xử lý những trường hợp lợn ốm, để có những giải pháp xử lý kịp thời và cách ly theo quy định và hướng dẫn của ngành; giám sát chặt chẽ những đàn lợn mà hiện đang có lợn bị ốm, cách ly, để trên cơ sở đó theo dõi chặt chẽ và giám sát không để lây lan ra phạm vi rộng; thực hiện tốt việc kê khai chăn nuôi; thực hiện ký cam kết giữa các hộ gia đình; thực hiện các giải pháp về chăn nuôi an toàn sinh học, các biện pháp cách ly và đặc biệt là thực hiện cam kết “5 không” trong công tác phòng chống dịch tả lợn châu Phi”.

Quyết liệt dập dịch tả lợn châu Phi, đồng thời có giải pháp về sản xuất sạch, chúng ta không thể đóng cửa, mà phải đảm bảo vừa phòng, chống dịch, vừa thực hiện sản xuất, phân phối, vận chuyển tốt. Chúng ta không lơ là, chủ quan, nhưng cũng không thể chờ đến thời điểm có vắc-xin, hay hết hẳn dịch để phát triển chăn nuôi./.