Chủ động phòng, chống bệnh dại trong mùa hè
Anh Nguyễn Tiến Độ ở TP Phổ Yên chủ động đi tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.

Mới đây, anh Nguyễn Tiến Độ ở TP Phổ Yên bị một con chó lạ tấn công ngoài đường với một vết thương khá nặng. Sau khi điều trị ban đầu tại trạm y tế tại địa phương, anh Độ đã chủ động đi tiêm phòng bệnh dại luôn trong ngày.

Anh Nguyễn Tiến Độ, phường Đồng Tiến, TP Phổ Yên chia sẻ: "Tôi cũng không biết chó nhà ai. Khi bị chó cắn tôi rất bất ngờ. Tôi đi tiêm phòng dại để đảm bảo an toàn tính mạng".

Chủ động phòng, chống bệnh dại trong mùa hè
Từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên đã tiêm vắc xin, huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân.

Trường hợp của anh Độ chỉ là một trong hàng ngàn người bị chó, mèo cắn mỗi năm. Theo thống kê, trung bình mỗi năm trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có gần 5.000 người phải tiêm vắc xin, huyết thanh để phòng và điều trị dự phòng bệnh dại. Tính riêng từ đầu năm 2023 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên đã tiêm cho hơn 2.000 lượt bệnh nhân, tăng trên 1.300 lượt bệnh nhân so với cùng kỳ năm 2022.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trước hết là do thói quen thả rông vật nuôi của người dân mà không rọ mõm, đặc biệt là ở các vùng nông thôn; công tác tiêm phòng dại cho chó, mèo chưa được người nuôi thực sự quan tâm.

Bà Nguyễn Thị Nguyệt, thị trấn Đu, huyện Phú Lương cho hay: "Tôi đã tiêm được 1 mũi. Qua theo dõi chó bị ốm nên tôi đã cẩn thận đi tiêm để đảm bảo an toàn".

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, cứ 10 phút trôi qua có 1 người tử vong do bệnh dại. Bệnh dại cực kỳ nguy hiểm và chưa có thuốc đặc trị, do vậy, nếu chẳng may bị chó, mèo cào, cắn, người dân cần xử lý vết thương và đến cơ sở y tế gần nhất để thực hiện điều trị theo chỉ định của bác sỹ.

Bác sỹ Lê Trọng Tiên, Bác sỹ Chuyên khoa I, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Đã nhiễm bệnh dại mà không được tiêm phòng, nếu lên cơn dại thì chắc chắn tử vong. Khi người dân bị chó, mèo cắn, cào, phải rửa ngay vết thường bằng nước sạch, xà phòng, xả dưới vòi nước chảy từ 3 đến 4 phút. Khi đã sạch vết thương đến cơ sở để bác sĩ khám và có chỉ định tiêm phòng".

Để phòng bệnh dại, người dân thực hiện tiêm phòng dại đầy đủ cho đàn chó theo chỉ đạo của chính quyền và cơ quan thú y địa phương… Phải nuôi nhốt, không được thả rông, chó thả ngoài đường phải rọ mõm, không cho trẻ nhỏ đùa nghịch với chó, mèo đặc biệt là khi chúng đang ăn; không tiếp xúc với con vật bị dại, nghi dại; không mua bán, vận chuyển chó mèo ra, vào vùng dịch. Các trường hợp bị súc vật nghi mắc dại cắn cần tiêm đủ mũi và đúng thời gian quy định./.