Lượng mưa lớn nhất đo được tại Thái Nguyên là 243 mm, mực nước tại trạm thủy văn Cầu Gia Bảy đã lên đến báo động cấp II. Qua đánh giá sơ bộ, thiên tai đã làm 3 người chết, 1 người bị thương nhẹ tại tổ 5 phường Tân Lập, TP Thái Nguyên. Thiệt hại về tài sản: đã có 02 nhà bị hư hỏng, hơn 1.000 hộ gia đình bị ngập úng và cô lập, khoảng hơn 600ha lúa ngập nước, nhiều ao hồ, tuyến đường bị ngập và chia cắt, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Một số trường học phải cho trẻ em nghỉ trong ngày 10/9. Đặc biệt, cơn mưa lớn làm Trạm biến áp 110kV Thịnh Đán bị ngập sâu dẫn đến mất điện toàn khu vực.

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành, địa phương cần chủ động phối hợp với Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là tỉnh Bắc Kạn để nắm rõ tình hình về nguồn nước dồn về, xác định mức lũ tại Thái Nguyên, qua đó lên phương án phòng chống lũ một cách hiệu quả; thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết và chủ động các phương án kịp thời ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cơ quan chức năng tiếp tục bám sát diễn biến của cơn bão; cần chú ý đến các vị trí xung yếu, có nguy cơ sạt lở cao để bố trí sẵn các phương án giải quyết sự cố trong mưa bão.

Hiện nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị dự trữ đủ xăng dầu cho xe cấp cứu, xuồng máy, máy phát điện hoạt động khi không có điện; dự trữ lương thực, thực phẩm và các phương tiện phục vụ sinh hoạt khác cho cơ sở khám, chữa bệnh. Trong trường hợp các địa phương vượt khả năng, cần có sự hỗ trợ, cần báo cáo đề xuất lên cấp trên trực tiếp xin ý kiến chỉ đạo và hỗ trợ kịp thời.

Đối với các trường hợp tử vong do thiên tai, đại diện tỉnh Thái Nguyên, đồng chí Dương Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đến thăm hỏi và trao tiền hỗ trợ theo quy định cho các gia đình nạn nhân.

* Sáng ngày 10/9, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Thái Nguyên đã họp khẩn cấp để ứng phó với mưa lũ trên địạ bàn thành phố.

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố, do mưa lớn, giông lốc đã gây ảnh hưởng đến các công trình nhà nước, tài sản và tính mạng của nhân dân. Tại hội nghị, các phường, xã và cơ quan chuyên môn đã có một số đề xuất với Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố để nhanh chóng giải quyết tình trạng ngập úng cục bộ tại một số vị trí xung yếu.

Dự báo từ nay đến ngày 12/9, trên địa bàn thành phố Thái Nguyên vẫn còn mưa lớn, diễn biến phức tạp, vì vậy để ứng phó kịp thời, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố đề nghị: cơ quan thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố tham mưu cho thành phố thành lập Ban chỉ huy ứng trực; các phường, xã cũng phải thành lập các ban này và phân công lực lượng ứng trực, trong đó Công an, Quân sự làm lực lượng nòng cốt. Tại các vị trí xung yếu, thực hiện theo phương châm 4 tại chỗ, thông tin và ứng cứu kịp thời; phân công trực, kiểm tra các tuyến Đê. Đặc biệt, quan tâm tới vị trí khu dân cư kiểu mẫu số 4, phường Túc Duyên và 1 phần đê thuộc phường Túc Duyên và phường Trưng Vương. Thường xuyên kiểm tra, báo cáo Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố. Đề nghị Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Lộc chuẩn bị phương tiện, máy móc, rọ đá, bạt sẵn sàng xử lý ngay khi có tình huống xảy ra. Các phường, xã chủ động phương tiện, nhân lực để ứng phó nhất là các địa bàn có các tuyến đê.

* Tại huyện Đại Từ: Mưa lớn đã gây tình trạng ngập úng cục bộ tại xã An Khánh, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của người dân.

Có 8 hộ gia đình và khoảng 55ha lúa, hoa màu thuộc 3 xóm: Bãi Chè, Tân Bình, Ngò của xã An Khánh đã bị ngập úng cục bộ trên diện rộng. Trong đó, 8 hộ dân của xóm Bãi Chè bị cô lập hoàn toàn, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của các gia đình. Tuy chưa có thiệt hại về người, nhưng 55ha lúa đã bị gập úng.

Theo phản ánh của người dân, tình trạng ngập úng không chỉ do mưa bão mà do nước không có chỗ thoát. Mực nước trung bình bị ngập tại các xóm khoảng 70 – 80cm, vị trí sâu nhất vào khoảng 1,5 mét. Nhiều nhà dân ở vị trí thấp đều bị nước tràn vào nhà. Trước tình trạng ngập lụt, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện và xã An Khánh đã trực tiếp kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng chống ngập úng, huy động lực lượng dân quân và bà con nhân dân di dời người và tài sản đến nơi an toàn, ổn định cuộc sống cho nhân dân.

* Đối với huyện Võ Nhai, mưa lớn cũng đã gây ngập cục bộ tại một số địa phương.

Cơn mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ một số diện tích hoa màu của người dân tại các địa phương. Một số tuyến đường giao thông cũng bị ngập, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân như: trên tuyến Quốc lộ 1B đoạn đi qua xã La Hiên; tuyến đường đi vào các xã Thượng Nung, Thần Sa. Tuy nhiên, thiệt hại do mưa gây ra trên địa bàn huyện Võ Nhai là không lớn. Đối với các công trình giao thông, nước gây sạt lở tuyến đường 2037, đi lên xóm Lũng Luông của xã Thượng Nung. Chiều dài tuyến đường sạt lở là vào khoảng hơn 30m.

Với đặc điểm địa hình vùng cao, độ dốc lớn, có nhiều khe suối, nước có thể lên nhanh. Đối với các tuyến đường giao thông có các ngầm tràn qua sông, suối, chính quyền các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ để hướng dẫn người dân trong lưu thông; đồng thời sẵn sàng sơ tán người dân cùng tài sản khi có tình huống xấu xảy ra. Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão của huyện cũng đã tăng cường công tác kiểm tra; chỉ đạo các địa phương thực hiện ứng trực 24/24 giờ; sẵn sàng huy động lực lượng để triển khai các phương án phòng chống thiên tai, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa gió gây ra trên địa bàn.

* Tại TP Sông Công: Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ và chia cắt một số khu vực trên địa bàn. Ngay trong đầu giờ sáng, các đồng chí lãnh đạo thành phố đã trực tiếp đi kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng và có chỉ đạo kịp thời.

Theo đó, có một số điểm bị ảnh hưởng nhiều như: xã Bá Xuyên bị ngập cầu Lý Nhân và ngập tràn qua sông Công, Đường 262 có 02 điểm bị chia cắt. Tại xã Bình Sơn: mưa làm nước Hồ Ghềnh Chè lên cao, tràn qua xả tràn của hồ khoảng 60cm gây chia cắt xóm Tiền Tiến, Tân Sơn. Tại xã Vinh Sơn: mưa lớn đã gây ngập 03 cầu tràn trên địa bàn. Tại xã Tân Quang: có 02 điểm bị ngập tại xóm Làng Dỗ, cản trở giao thông qua lại. Trong khu vực nội thị, đầu giờ sáng nước ngập sâu đoạn đường Thắng Lợi đoạn qua Khu đô thị Kosy, ngập đoạn đường dẫn từ KCN vào nội thành, ngập cục bộ tại khu vực dự án mở rộng nhà máy TNG. Tắc tại tuyến Kênh Tây (Kênh Thủy lợi Hồ Núi Cốc gây ngập úng cục bộ). Riêng tại khu vực tổ 10 phường Mỏ Chè: ngập cục bộ có chỗ sâu nhất lên đến 1,5m làm ảnh hưởng đến 15 hộ dân,...

Để khắc phục tình trạng ngập úng trong khu vực nội thị, thành phố đã chỉ đạo tập trung huy động lực lượng, máy móc, khơi thông dòng chảy; đến 10 giờ 30 phút, nước đã rút hoàn toàn, hoạt động tham gia giao thông trở lại bình thường. Tuy nhiên, lúc này tại các địa bàn dọc sông Công, mực nước lên nhanh có khả năng ảnh hưởng tới nhân dân tại các xóm, TDP 02 bên bờ sông Công của các xã, phường rất cao, đặc biệt là tại Bình Sơn,Vinh Sơn và Bá Xuyên, Phường Mỏ Chè , Thắng Lợi, Phố Cò.

* Ngày 10/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Lương đã đi kiểm tra thực tế tại một số điểm bị ngập úng tại xã Tức Tranh, Vô Tranh và Yên Lạc.

Theo đó, mưa lớn đã gây ngập úng, sạt lở nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện. Tại xã Tức Tranh, có 13 hộ dân bị ảnh hưởng; tại xã Phú Đô bị ngập úng chủ yếu ở các tràn từ xã Tức Tranh đi vào; tại xã Yên Lạc bị ngập úng tại cầu Mương Gằng, 2 trường hợp bị sét đánh, nhưng rất may không gây thiệt hại về người và một số xã ở phía nam của huyện bị ngập úng hoa màu, giao thông đi lại.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tim kiếm cứu nạn của huyện chỉ đạo các xã, thị trấn cần làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đối với những hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng, thực hiện tốt phương án phòng, chống thiên tai tại các xã, thị trấn, đối với các hộ dân bị ảnh hưởng cần có phương án hỗ trợ tại chỗ, giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản.

Dự báo trong ngày và đêm nay (10/9), mưa giông vẫn tiếp diễn trên diện rộng ở Bắc Bộ. Trong đó, Thái Nguyên vẫn có mưa to, có nơi mưa rất to. Đợt mưa này sẽ kéo dài đến ngày 12/9, thời gian mưa nhiều tập trung vào chiều tối và đêm. Đề phòng lốc, sét và gió giật mạnh trong cơn giông.

Riêng vùng núi, mưa lớn có thể gây lũ quét, sạt lở đất cục bộ, vì vậy Ban Chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đề nghị các địa phương tổ chức lực lượng khắc phục ngay tình trạng ngập úng; triển khai các phương án phòng chống lũ, ngập úng đảm bảo an toàn các công trình phòng chống lũ theo cấp báo động; tổ chức tuần tra canh gác, kiểm tra, rà soát việc chuẩn bị lực lượng, vật tư, phương tiện theo quy định.

Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, lũ quét, ngập úng, sạt lở đất; kiểm tra, rà soát các khu dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven sông suối, ngoài bãi sông, khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn, đặc biệt là các công trình xây dựng đang thi công liên quan đến đê, kè, cống qua đê, hồ, đập, cầu tràn qua suối, cầu qua sông, các bãi thải khoáng sản; các khu vực, vị trí đã xuất hiện nứt, sụt lún, sạt lở đất như: khu vực sạt lở xóm Yên Thái, xã Tân Thái huyện Đại Từ; xóm Nà Lay, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai,…

Các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền người dân cần thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản. Đặc biệt, không vớt củi trong lòng nước lũ, không di chuyển khi mực nước tại sông, suối đang lên cao.../.