Chi bộ quân sự cấp xã “Tiếng nói từ cơ sở”
10 năm làm thí điểm mô hình Chi bộ quân sự cấp xã nhưng 9/9 chi bộ ở các địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên không phát triển được đảng viên mới.

Thực hiện Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương cũng như các văn bản, hướng dẫn của trên, năm 2011, phường Ba Hàng, thị xã Phổ Yên là một trong 9 địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện thành lập thí điểm Chi bộ quân sự cấp xã. Cơ cấu của Chi bộ gồm: Bí thư Chi bộ là Bí thư Đảng ủy xã; các đảng viên còn lại nằm trong Ban CHQS xã và lực lượng dân quân cơ động.

Việc thành lập Chi bộ quân sự cấp xã là yêu cầu khách quan. Qua đó, vừa hoàn thiện hệ thống tổ chức đảng trong lực lượng vũ trang, vừa đảm bảo có tổ chức đảng trực tiếp, chuyên sâu lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với nhiệm vụ quốc phòng - quân sự địa phương ở cơ sở. Tuy nhiên, sau 10 năm thì mô hình này vẫn đang dừng lại ở việc thí điểm và rút kinh nghiệm. Vậy, vướng mắc ở đâu đang là câu hỏi được đặt ra.

Ông Nguyễn Quang Dương, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Phổ Yên phân tích từ tình hình thực tế tại địa phương: “Từ năm 2011 đến nay, có những văn bản hướng dẫn thay đổi thường xuyên nên mô hình này đối với Thái Nguyên nói chung và Phổ Yên nói riêng là chưa phù hợp vì chúng ta không có lực lượng dân quân thường trực”.

Cùng với nhận định của ông Nguyễn Quang Dương, Trưởng ban Tổ chức Thị ủy Phổ Yên, 10 năm qua, để bảo đảm Nguyên tắc Điều lệ Đảng cũng như nội quy sinh hoạt đảng, Chi bộ quân sự phường Cải Đan, thành phố Sông Công tháng nào cũng họp, ra nghị quyết, nhưng đó chỉ là hình thức quán triệt lại nội dung của Đảng ủy.

Ông Lưu Văn Loan, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ quân sự phường Cải Đan, TP Sông Công thì cho rằng: “Sau 10 năm thực hiện thí điểm mô hình Chi bộ quân sự cấp xã, tôi thấy có nhiều bất cập, chồng chéo. Tôi trực tiếp là Bí thư Đảng ủy phường chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện về thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của địa phương, song vì kiêm nhiệm nên tôi phải triển khai nghị quyết của Chi Bộ Quân sự. Sau đó, trực tiếp báo cáo với Bí thư Đảng ủy Phường. Tôi thấy bất cập và không có hiệu quả”.

Theo hướng dẫn mới nhất của Ban Tổ chức Trung ương và Tỉnh ủy Thái Nguyên thì chức danh lãnh đạo cấp xã đều phải xuống sinh hoạt trực tiếp cùng chi bộ cấp thôn, xóm, tổ dân phố, còn duy nhất Chi bộ quân sự vẫn duy trì. Chính vì vậy, việc tổ chức sinh hoạt theo quy định của Điều lệ Đảng đối với chi bộ này đang rất lúng túng ở cả 9 mô hình điểm trên địa bàn tỉnh.

Bất cập hơn khi chức danh Chủ tịch UBND xã lại không sinh hoạt tại chi bộ này, trong khi đây chính là người trực tiếp chỉ đạo công tác quốc phòng quân sự địa phương; là chủ tịch Hội đồng nghĩa vụ, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục quốc phòng, an ninh cấp xã.

Ông Lê Danh Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ quân sự thị trấn Ba Hàng, thị xã Phổ Yên cho rằng: “Chi bộ quân sự ban hành Nghị quyết thực hiện công tác quốc phòng - quân sự địa phương thì phải báo cáo đồng chí Chủ tịch UBND. Khi tổ chức thực hiện thì đồng chí Chủ tịch UBND lại báo cáo lại Thường trực Đảng ủy, Bí thư Đảng ủy. Do vậy, có sự chồng chéo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo”.

Trong 10 năm làm thí điểm, 9/9 chi bộ không phát triển được đảng viên nào, có chăng chỉ phối hợp, tạo nguồn cho các chi bộ cấp thôn. Nhưng ngay cả việc phối hợp này kết quả cũng rất khiêm tốn. Trong khi đó, Điều lệ Đảng cộng sản Việt Nam quy định rất rõ: "Đã là tổ chức đảng thì hàng năm phải phát triển được đảng viên".

Bà Hoàng Thị Thanh Hương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND, Bí thư Chi bộ thị trấn Chùa Hang, TP Thái Nguyên nêu ý kiến: “Thực tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt là xây dựng tổ chức, trong đó có phát triển đảng viên. Đối với Chi bộ quân sự thì cũng gặp khó khăn và bất cập. Về nguồn, vì thôn đội trưởng đều là đảng viên rồi. Để phát triển đảng viên thì phải căn cứ đối tượng tham gia sinh hoạt. Đối với lực lượng dân quân, lực lượng kế cận bồi dưỡng vị trí thôn đội trưởng nhiều trường hợp không có nguyện vọng và điều kiện kinh tế”.

Ông Nguyễn Quang Dương, Trưởng ban Tổ chức thị ủy Phổ Yên cho rằng: “Nếu duy trì mô hình này thì cần có hướng dẫn chi tiết về vấn đề sinh hoạt làm sao cho phù hợp, mở rộng đối tượng để phát triển đảng viên”.

Ông Lưu Văn Loan, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ quân sự phường Cải Đan, TP Sông Công đề nghị: “Theo tôi, nên giải thể Chi bộ quân sự về sinh hoạt tại nơi cư trú để có sự lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả hơn từ cơ sở”.

Ông Lê Danh Khiêm, Bí thư Đảng ủy, Bí thư Chi bộ quân sự thị trấn Ba Hàng, thị xã Phổ Yên nêu ý kiến: “Theo tôi, mô hình này là không cần thiết. Nếu đem Chi bộ quân sự của chúng tôi đem so sánh phường mình với đơn vị xã, phường khác không có chi bộ quân sự thì hoạt động cơ bản cũng giống nhau”.

Mục đích thành lập Chi bộ quân sự cấp xã để làm hạt nhân lãnh đạo, là nhịp cầu nối giữa Đảng với quần chúng trong việc thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương ở cơ sở; trọng tâm là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang nhằm ngăn chặn chiến lược “Diễn biến hoà bình” cùng với âm mưu “Phi chính trị hóa Quân đội” của các thế lực thù địch từ cơ sở. Tuy nhiên, sau 10 năm mô hình vẫn nằm ở việc thí điểm, thì đây lại đang là một câu hỏi còn bỏ ngỏ mà câu trả lời thuộc về của nhiều cấp, ngành, địa phương trong công tác xây dựng đảng ở cơ sở hiện nay.