Chân dung Bác Hồ qua hội họa
Tác phẩm của họa sĩ Dương Văn Chung, hội viên chi hội Mỹ thuật, Văn học nghệ thuật Thái Nguyên

Như bao người con đất Việt, họa sĩ Nguyễn Gia Bẩy dành nhiều tình cảm kính yêu đối với vị cha già của dân tộc. Tuy chưa một lần được gặp Bác Hồ nhưng họa sĩ Gia Bẩy đã tìm hiểu hàng ngàn tư liệu ảnh, sách, báo, thơ văn về Bác để thể hiện qua các bức vẽ với một góc nhìn mới, sinh động và giàu tính nhân văn. Bên cạnh những bức "truyền thống" đã được nhiều nghệ sĩ khai thác như: Bác ngồi đọc sách, duyệt công văn, câu cá, vui với các cháu thiếu nhi...họa sĩ Gia Bẩy đã tìm tòi và sáng tạo thêm nhiều bức tranh lạ như bức tranh: Vườn xuân, Mầm xuân, Lúa ba giăng…

Chân dung Bác Hồ qua hội họa
Họa sĩ Gia Bẩy và tác phẩm Bác Hồ với vườn xuân

Họa sĩ Nguyễn Gia Bảy, Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Vẽ Bác là vẽ trừu tượng là không phù hợp. Nên cái khó là vẽ thực, tả thực nhưng chỉ trên tư liệu những bức ảnh thôi. Đó là cái khó mà họa sĩ phải nghiên cứu rất kỹ”.

Nếu với họa sĩ Gia Bẩy, vẽ về Bác đòi hỏi mỗi tác phẩm không bị “ trùng lặp” về ý tưởng, cách thể hiện với các họa sĩ khác thì với nhiều họa sĩ khác, mỗi người lại chú trọng đến việc thể hiện ra sao, thể hiện như thế nào để toát lên vẻ đẹp tâm hồn, khí chất của Người.

Chân dung Bác Hồ qua hội họa
Họa sĩ Văn Thao và tác phẩm Bác Hồ với hoa sen

Tranh vẽ Bác Hồ của hoạ sĩ Văn Thao, Dương Văn Chung luôn có hồn và lột tả được ánh mắt luôn lo nghĩ cho nhân dân, đất nước nhưng vẫn rất giản dị và gần gũi.

Họa sĩ Văn Thao, Hội viên Chi hội Mỹ thuật, Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: “Bác Hồ được ví như đóa hoa sen đẹp nhất, thơm ngát nhất. Tôi đã xây dựng hình tượng Bác, lấy từ hình ảnh tư liệu Bác đi Liên Xô công tác. Một nhiếp ảnh gia nước bạn đã chụp Bác và tôi rất thích khoảnh khắc đó. Tôi đã xây dựng hình tượng Bác từ đó nổi lên từ trong đầm sen đẹp như vậy”.

Họa sĩ Dương Văn Chung, Hội viên Chi hội Mỹ thuật, Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Để thể hiện bức tranh này thì mọi người có thể thấy là có một số bối cảnh, Bác Hồ về thăm Gang Thép, Bác lội suối...Bác Hồ ở trong lán. Điều đó nó sẽ hạn chế bớt sự hạn chế của hội họa trong dòng tranh lịch sử”.

Bằng tình cảm, tài năng và sự sáng tạo của mình, các họa sĩ Việt Nam nói chung và họa sĩ Thái Nguyên nói riêng đã góp phần không nhỏ trong việc lưu giữ hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong trái tim của người dân Việt Nam qua các thế hệ. Những tác phẩm với bút pháp đồ họa phong phú đã khắc họa đậm nét chân dung vị lãnh tụ vĩ đại nhưng vô cùng giản dị, gần gũi của dân tộc Việt Nam./.