Cảnh giác trước thủ đoạn gọi điện lừa "con đang cấp cứu”
Trong sáng 16/3, khá nhiều trường học trên địa bàn TP Thái Nguyên ghi nhận phản hồi của phụ huynh học sinh về các cuộc gọi lừa đảo.

Cùng 1 kịch bản, các đối tượng lừa đảo đã công phu dàn dựng, mạo danh là giáo viên, bác sĩ trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện, thông báo tình trạng của học sinh với mục đích gây hoang mang, lo lắng và ngay sau đó sẽ có những động thái yêu cầu chuyển tiền gấp để cấp cứu cho con.

Chị Vũ Mai Trang, tổ 2, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên chia sẻ: "Tôi đang làm thì thấy có số điện thoại gọi đến, cứ nghĩ là con mình đi học và bị ngã. Nên 2 vợ chồng đến viện, trong cuộc gọi thì nghe thấy tiếng cấp cứu nên lo quá".

Bà Hà Thị Giang, tổ 2, phường Tân Thịnh, TP Thái Nguyên cho hay: "Tôi rất hốt hoảng không biết con ngã thế nào. Sau đó, tôi bình tĩnh lại và gọi cho cô giáo chủ nhiệm và cô giáo thông báo là con vẫn đang học bình thường ở lớp".

Trung tá Dương Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP Thái Nguyên cho biết: "Sau khi nhận được thông tin, Công an TP Thái Nguyên đã tiến hành điều tra, xác minh. Qua xác minh sơ bộ, các đối tượng sử dụng các số điện thoại sim rác để gọi đến và nói đúng tên phụ huynh của các cháu cũng như tên các cháu đang học các lớp ở trường trên địa bàn, làm cho người dân tin tưởng các cháu bị tai nạn để lừa dối người dân, đồng thời cung cấp tài khoản để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tiền của phụ huynh học sinh".

Cảnh giác trước thủ đoạn gọi điện lừa "con đang cấp cứu”
Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của các phụ huynh khi đến đây.

Trong sáng ngày 16/3, đã có trên 20 trường hợp phụ huynh của các em học sinh đến Khoa cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để tìm con mình. Hoang mang, lo lắng là tâm trạng chung của các phụ huynh khi đến đây. Mặc dù những ngày qua, thông tin về hiện tượng lừa đảo này đã được tuyên truyền, cảnh báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thế nhưng vẫn có nhiều phụ huynh không giữ được bình tĩnh, lập tức đến bệnh viện.

Bác sĩ Chuyên khoa II Hà Tiến Quang, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho hay: "Tất cả những trường hợp như vậy, dù có tiền hay không có tiền, dù có người nhà hay không có người nhà thì với trách nhiệm của cán bộ y tế chúng tôi phải ưu tiên vì tính mạng người bệnh và tiến hành cấp cứu cho người bệnh, còn tất cả thủ tục về hành chính, hồ sơ, tài chính chúng tôi sẽ hoàn thiện sau".

Ngay trong khi chúng tôi đang tác nghiệp tại Khoa cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, vẫn có rất đông các phụ huynh đến đây sau khi nhận được các cuộc gọi thông báo con mình đang cấp cứu tại đây. Một vấn đề đáng lưu tâm là tại sao thông tin của các học sinh trong các nhà trường lại có thể được các đối tượng lừa đảo nắm bắt một cách dễ dàng và nhanh chóng đến vậy. Điều này cũng đặt ra vấn đề cần phải nâng cao hơn nữa mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong sáng 16/3, khá nhiều trường học trên địa bàn TP Thái Nguyên ghi nhận phản hồi của phụ huynh học sinh về các cuộc gọi lừa đảo. Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên đã ghi nhận 36 cuộc gọi mạo danh là giáo viên nhà trường thông báo đến phụ huynh rằng học sinh trong trường bị tai nạn. Cũng theo thống kê của các nhà trường, các đối tượng lừa đảo dùng rất nhiều số điện thoại khác nhau để gọi điện.

Cô giáo Nguyễn Huệ Oanh, Hiệu trưởng Trường THCS Quang Trung, TP Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi lập danh sách của các phụ huynh học sinh nhận được điện thoại lạ và số điện thoại lạ gửi cho Công an phường, báo với phòng Giáo dục và Đào tạo để nắm bắt tình hình, hy vọng rằng các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc để tìm hiểu những thông tin của học sinh lọt từ đầu ra. Qua những số điện thoại chúng tôi đã lập nên thì mong phía Công an truy tìm đối tượng gọi, tránh gây hoang mang".

Trung tá Dương Trung Kiên, Đội trưởng Đội Cảnh sát Hình sự, Công an TP Thái Nguyên cho biết: "Khi tiếp nhận thông tin các đối tượng lạ gọi đến, các phụ huynh học sinh phải thận trọng, đồng thời nghe và có biện pháp xử lý, bình tĩnh không nghe theo các đối tượng. Sau khi xác định thông tin xong, kiểm chứng lại thông tin bằng cách liên hệ với nhà trường, liên hệ với cơ quan Công an gần nhất, liên hệ trực tiếp với Bệnh viện xem có trường hợp con mình đến cấp cứu hay không, hỏi các đối tượng hiện tại đang ở đâu có thể cung cấp thông tin để đến trực tiếp".

Sau khi xảy ra sự việc trên, UBND TP Thái Nguyên đã chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP Thái Nguyên gửi công văn tới các trường học trên địa bàn về việc cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo gọi điện thoại cho phụ huynh học sinh để thông báo con em mình bị tai nạn. Trước những chiêu trò tinh vi của các đối tượng lừa đảo, các bậc phụ huynh cần bình tĩnh, nắm bắt thông tin rõ ràng, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè, giáo viên chủ nhiệm của con em mình để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an hoặc tố giác tội phạm đến các cơ quan chức năng./.