Cần thêm những chính sách để phục hồi lĩnh vực vận tải
Ngành vận tải vẫn cần thêm chính sách hỗ trợ mới để phục hồi sau đại dịch

Với hơn 40 đầu xe vận tải hàng hóa và hành khách, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái An Dương đã phải điều chỉnh phương thức kinh doanh để thích ứng trước những tác động tiêu cực bởi dịch COVID-19. Tuy vậy, doanh thu của đơn vị vẫn sụt giảm do giảm lượng khách và chi phí vận chuyển tăng khoảng 30% so với trước đây.

Ông Nguyễn Quốc Xuân, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thái An Dương cho biết: “Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính có đưa ra phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải. Đối với một doanh nghiệp vận tải như chúng tôi đã giảm được khó khăn. Thời gian tới, mong Bộ tiếp tục có phương án giảm phí bảo trì đường bộ và phí kiểm định”.

Khó khăn và sụt giảm về doanh thu do những tác động tiêu cực từ dịch COVID-19 là thực trạng chung của hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vận tải hành khách trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh những doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động thì một số doanh nghiệp chấp nhận bù lỗ trong thời gian dài để duy trì luồng, tuyến và giữ chân khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Hà Lan cho biết: “Toàn bộ xe hợp đồng hoạt động trên các tuyến Thái Nguyên-Hà Nội và Thái Nguyên đi các tỉnh đã phải tạm dừng với hơn 100 xe. Đồng nghĩa với các lao động ở tuyến này phải nghỉ việc. Xe buýt chạy nội tỉnh cũng phải cắt giảm 50-60% số lao động, chạy để phục vụ nhu cầu thiết yếu của khách hàng, để giữ khách và bảo trì thương hiệu chứ hoàn toàn doanh nghiệp phải bù lỗ”.

Trong bối cảnh bình thường mới, khi cả nước đã cơ bản kiểm soát tốt dịch bệnh, áp lực dù đã giảm, song khó khăn vẫn còn nhiều. Bởi vậy, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất Bộ Tài chính xem xét kéo dài thời gian áp dụng Thông tư 47 về giảm mức thu, nộp phí sử dụng đường bộ.

Ông Trần Văn Long, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên thông tin: “Đối với ngành giao thông việc phục hồi phải từng bước chứ không phải phục hồi ngay được. Vì tâm lý đi lại của người dân còn e ngại. Đối với ngành mong muốn Chính phủ tiếp tục có hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải”.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên hiện có khoảng 6.500 phương tiện đăng ký kinh doanh vận tải, bên cạnh các chính sách hỗ trợ kịp thời của Chính phủ thời gian qua, thì việc kéo dài thời gian áp dụng của Thông tư 47 sẽ tiếp tục giảm áp lực tài chính, tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải sớm phục hồi và phát triển./.