Cần tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Phú Bình
Đập Rừng Táo, xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt huyện Phú Bình

Những ngày gần đây, người dân xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt huyện Phú Bình rất vui mừng bởi từ nay không phải no lắng nhiều về nguồn nước sản xuất nông nghiệp cho vụ Đông, bởi công xây dựng cải tạo đập Rừng Táo trên địa bàn xóm đã hoàn thành và đi vào sử dụng. Theo thiết kế, công trình có diện tích khoảng gần 2ha, thân chính của đập được nâng cấp cải tạo kiên cố bằng bê tông, thay thế thân đập bằng đất như trước kia. Thân đập mới có chiều cao trên 5m, có khả năng trữ nước, cung cấp nước sản xuất cho toàn bộ cánh đồng của xóm Bàn Đạt với diện tích trên 20ha.

Bà Nguyễn Thị Hường, Bí thư Chi bộ xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, huyện Phú Bình vui vẻ cho biết: “Trước kia đập nông, bờ thấp, nên bà con tưới tiêu rất khó khăn, chỉ được nước cấy cho vụ chiêm xuân, không có nước tưới nên ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bây giờ được sự quan tâm của các cấp, bà con có cái đập này có điều kiện phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới…”

Trên địa bàn huyện Phú Bình hiện có trên 120 công trình hồ, đập lớn nhỏ, trong đó số lượng các công trình hồ đập nhỏ do UBND huyện quản lý là 102 công trình, các công trình này cung cấp, phục phục vụ sản xuất cho trên 1300 ha đất nông nghiệp.

Để phát huy hiệu quả các công trình, sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, chính quyền địa phương đã thành lập các tổ thủy nông, các thành viên tổ thủy nông của UBND các xã, thị trấn có nhiệm vụ quản lý, khai thác, vận hành theo quy định. Có 68 công trình hồ, đập đảm bảo vận hành ổn định, các thiết bị đóng mở hoạt động tốt, công trình đầu mối, hệ thống thoát lũ đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả giá trị công trình. Tuy nhiên, hiện nay một số hồ đập trên địa bàn huyện do xây dựng từ lâu đã xuống cấp.

Cần tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Phú Bình
Một số hồ đập trên địa bàn huyện Phú Bình do xây dựng từ lâu đã xuống cấp

Nhiều công trình đã được xây dựng được trên 20 năm, bờ đập làm bằng đất, thi công bằng thủ công, thô sơ, mái đập thượng lưu bị sạt lở, mặt cắt bờ đập nhiều đoạn bị co hẹp, mặt đập không bằng phẳng, cống tưới vẫn còn bị rò rỉ gây thất thoát nước, tràn tự nhiên bằng đất bị xói lở... gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, vận hành. Nhằm khắc phục tình trạng này, huyện đã xây dựng và triển khai Đề án quản lý và khai thác các công trình thủy lợi. Hàng năm, huyện đã duy tu sửa chữa các công trình đảm bảo theo đúng yêu cầu kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu sản xuất, đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.

Theo ông Nguyễn Văn Hòa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phú Bình: “Trên địa bàn huyện công tác thủy lợi cơ bản đáp ứng được, hồ đập an toàn trước mùa mưa bão. Toàn huyện có trên 100 hồ đập lớn nhỏ, cũng đã được tỉnh và huyện đầu tư, tuy nhiên vốn đầu tư còn hạn chế nên chưa thể cùng lúc sửa chữa, nâng cấp được. Những vị trí xuống cấp chúng tôi tham mưu cho huyện để nâng cấp, sửa chữa. Hồ đập lớn thì đưa vào danh mục đầu tư công.”

Trước thực trạng xuống cấp từ các công trình thủy lợi, trong thời gian qua từ nhiều nguồn vốn huy động đầu tư trên địa bàn, huyện đã huy động được trên 46 tỷ đồng thực hiện đầu tư xây dựng 25 công trình thuỷ lợi. Trong đó, UBND huyện đã đầu tư, sửa chữa, cải tạo và nâng cấp 6 công trình thuỷ lợi với kinh phí là 6,6 tỷ đồng; các nguồn vốn khác được đầu tư do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Thủy lợi, Công ty TNHH một thành viên khai thác thuỷ lợi Thái Nguyên và Công ty TNHH MTV khai thác thuỷ lợi Nam Sông Thương thực hiện là 19 công trình với kinh phí là 40 tỷ đồng. Ngoài ra, nhiều công trình thuỷ lợi nhỏ do nhân dân tự thực hiện góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất nụng nghiệp, đảm bảo công trình vận hành an toàn trong mùa mưa bão.

Bà Kiều Thị Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình cho biết: “Qua rà soát huyện Phú Bình có 23 công trình hồ, đập đã xuống cấp, những công trình này đã xây dựng từ những năm 1980. Huyện đã chủ động bảo dưỡng, sửa chữa nhưng công trình đã xuống cấp rồi. Trong thời gian tới, để đảm bảo công tác tưới tiêu sản xuất nông nghiệp, ngoài sự chủ động của huyện cũng mong tỉnh quan tâm đầu tư cho việc duy tu, sửa chữa các công trình thủy lợi, đáp ứng việc tưới tiêu của huyện”.

Cần tăng cường công tác quản lý, phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện Phú Bình
Các công trình thủy lợi góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới

Để các công trình thủy lợi phát huy hiệu quả, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tiếp tục tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy mạnh công tác quản lý các công trình thủy lợi; nâng cao năng lực trong phòng chống thiên tai; tăng cường quản lý về an toàn các công trình chứa nước; làm tốt công tác cảnh báo, dự báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Tiếp tục bố trí kinh phí đảm bảo cho công tác quản lý vận hành, sửa chữa, nâng cấp, khắc phục những hư hỏng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức và trách nhiệm của người dân trong việc sử dụng, khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Nhất là xã hội hóa công tác duy tu, bảo dưỡng hệ thống thủy lợi. Có được như vậy, các công trình thủy lợi không chỉ đảm bảo tưới, tiêu cho việc canh tác mà còn góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa huyện./.