Cần nâng cao ý thức người dân trong việc thu gom, phân loại rác
Rác thải vẫn để chung trong các gia đình có F0 điều trị tại nhà

Tổ dân phố Cầu Gáo, phường Bách Quang, TP Sông Công có trên 130 hộ dân thì đã có gần 80% số hộ dân có người nhiễm Covid-19 đang điều trị tại nhà. Tuy nhiên, việc phân loại rác thải tại nguồn vẫn chưa được người dân thực hiện tốt.

Bà Dương Thị Đức, TDP Cầu Gáo, phường Bách Quang, thành phố Sông Công cho biết: “Ở đây người dân vẫn để rác chung, của người F0 và người chưa bị, chúng tôi nhận thấy như vậy là rất nguy hiểm”.

Theo hướng dẫn mới đây của Bộ Y tế, tất cả các loại rác thải như: khẩu trang, khăn, giấy lau mũi miệng và các vật dụng sử dụng một lần thải bỏ của F0 được coi là chất thải lây nhiễm. Chất thải có nguy cơ lây nhiễm được thu gom vào 2 lần túi nilong màu vàng, phải dán nhãn “Chất thải có nguy cơ chứa SARS-CoV-2" trước khi được đơn vị duy trì vệ sinh môi trường vận chuyển từ nhà có F0 đến các điểm tập kết tại địa phương. Đây là quy trình đúng nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh. Song công tác phân loại, xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm tại nhà có F0 điều trị vẫn chưa được người dân quan tâm đúng mức gây nên áp lực không nhỏ đối với lực lượng công nhân vệ sinh môi trường làm việc hàng ngày.

Chị Nguyễn Thị Oanh, Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị thành phố Sông Công thông tin: “Trong quá trình thu gom rác chúng tôi nhận thấy rác thải của F0 vẫn để bừa bãi, chúng tôi đi làm hàng ngày thấy rất lo lắng là mình sẽ bị lây, không biết làm thế nào…”.

Chị Nguyễn Thanh Hằng, Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị Thái Nguyên cho biết thêm: “Chúng tôi trước khi làm là phải sát khuẩn, khử trùng tay chân, để phòng cho bản thân, gia đình mình và cho xã hội”.

Nỗ lực của các cơ quan chức năng, các đơn vị chuyên môn và lực lượng phụ trách về vệ sinh môi trường thực sự là chưa đủ trong bối cảnh đại dịch vẫn diễn biến phức tạp. Do vậy rất cần sự chung tay, góp sức của mỗi người dân, mỗi gia đình, đặc biệt là những người bệnh và gia đình có F0 điều trị tại nhà, dù được nhắc nhở hay không, cũng có thể tự tìm hiểu và thực hiện việc phân loại và xử lý rác thải có nguy cơ lây nhiễm, nhằm tránh những rủi ro lây lan trong cộng đồng.