Cần kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa trung và mùa muộn
Tình trạng sâu bệnh hại đang xuất hiện trên lúa mùa trung và mùa muộn.

Qua kết quả điều tra của cơ quan chuyên môn, rầy mật độ trung bình 100-500con/m2, nơi cao 700-1.000con/m2, cục bộ có ruộng 2.000con/m2 ở huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai..., diện tích nhiễm khoảng trên 265 ha; sâu non sâu cuốn lá nhỏ, mật độ trung bình 2-4 con/m2, nơi cao 8-12 con/m2, cục bộ trên 20-25 con/m2 ở khu vực huyện Đồng Hỷ, Võ Nhai, Phú Lương..., diện tích nhiễm khoảng 430 ha; sâu đục thân tỷ lệ hại trung bình 0,2-0,9%, nơi cao 1,2-3,8%, dảnh bị hại diện tích nhiễm 14 ha; bệnh khô vằn tỷ lệ bệnhtrung bình 5-10%, nơi cao 20-40%, cục bộ 50-70% dảnh bị hại, diện tích nhiễm trên 3.700 ha.

Bà Nguyễn Thị Tám, xóm Bờ Suối, xã Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ, cho biết: “Bây giờ là lúa đã có rầy. Chúng tôi đã được tuyên truyền các biện pháp để phun cho kịp thời vụ”.

Cần kịp thời phòng, trừ sâu bệnh hại lúa mùa trung và mùa muộn
Cán bộ nông nghiệp đang hướng dẫn bà con cách xử lý.

Dự kiến trong thời gian tới, mật độ rầy tiếp tục tăng trên trà lúa mùa trung, mùa muộn, có thể gây cháy chòm trên trà lúa chắc xanh. Sâu non sâu cuốn lá nhỏ sẽ nở rộ từ ngày 21/9 gây hại lá đòng trên trà lúa mùa muộn; sâu non sâu đục thân nở rộ từ 25/9 sẽ gây bông bạc trên trà lúa mùa muộn trỗ sau ngày 25/9 như nếp, bao thai...

Ông Nguyễn Tá, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh: “Giai đoạn lúc chắc xanh, uốn câu, rất dễ gây ra cháy chòm vào cuối tháng 9, đầu tháng 10. Đối tượng sâu đục thân, cần đặc biệt chú ý đến trà mùa muộn, đề nghị bà con cần quan tâm và phun phòng trừ vào cuối tháng 9 và đầu tháng 10, bắt buộc phải phun nếu không sẽ xảy ra những bông bạc, gây ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng”.

Để hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã có công văn gửi UBND các huyện, thành phố, thị xã, chỉ đạo các địa phương tiến hành phun phòng trừ kịp thời, để tránh thiệt hại đến năng suất, chất lượng lúa gạo./.