Cần cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội
Anh Nguyễn Công Dũng, trú tại TDP Cầu Lân, Thị trấn Đu, huyện Phú Lương, đang kể lại vụ việc bị lừa mất tiền qua zalo.

Theo lời kể của anh Nguyễn Công Dũng, trú tại TDP Cầu Lân, Thị trấn Đu, huyện Phú Lương, 8h sáng ngày 19/01/2022, anh nhận được tin nhắn hỏi vay số tiền 10 triệu đồng của một tài khoản zalo mang tên Nguyễn Quang Huy. Anh Dũng kể lại: “Tôi nói là tài khoản của tôi chỉ còn 2-3 triệu thôi, có chuyển không thì tôi chuyển cho. Tài khoản đó nhắn đến là cứ chuyển đi, sáng mai tôi gửi lại”.

Trong quá trình nhắn tin hỏi vay tiền, đối tượng sử dụng tài khoản zalo giả mạo kia nhắn tin liên tục với lý do có việc gấp. Vì mất cảnh giác, anh Dũng đã chuyển số tiền 2 triệu đồng cho tài khoản zalo có tên và hình ảnh giống người bạn thân của mình: “Xem tài khoản đấy thì lại trùng khớp họ tên với người bạn nhắn tin đến cho tôi để hỏi vay tiền của tôi. Tôi cũng không để ý và cũng không suy nghĩ, thấy đúng tên bạn mình. Sau khi chuyển khoảng tầm 1 tiếng, số tài khoản đó nhắn tin đến số điện thoại của tôi giục liên tục đã chuyển tiền chưa?”

Sau khi xác định mình đã bị đối tượng xấu lừa đảo chiếm đoạt số tiền 2 triệu đồng, anh Dũng được biết, cùng với thời điểm đó, đối tượng đó cũng dùng tài khoản zalo giả mạo mang tên Nguyễn Quang Huy để nhắn tin mượn vay tiền đến rất nhiều người bạn trong danh sách bạn bè của anh Huy: “Mình khuyên mọi người là chuyển khoản gì đó hoặc vay mượn trên mạng xã hội, hay trên số điện thoại, trên zalo, hay trên bát kể một phương tiện nào, thì đừng ngại gọi điện trực tiếp đến cho người bạn hoặc đối tượng vay đó, là bạn thân, hay khách hàng, hay bất kể là đối tượng như thế nào”.

Theo thống kê của Phòng Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông, trường hợp bị đối tượng xấu dùng tài khoản zalo giả mạo để vay tiền như trường hợp anh Dũng không phải là trường hợp hiếm gặp, tuy nhiên việc xác định chính xác đối tượng lừa đảo cũng không đơn giản.

Ông Vi Tuấn Dũng, Chánh Thanh tra, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Các lực lượng chức năng đang rất khó khăn trong việc truy vết, tìm các đối tượng. Các đối tượng dùng nick ảo, tài khoản ảo. Người bị hại bị chiếm đoạt hoặc bị mất tài sản thường có tâm lý không báo cho các cơ quan chức năng, hoặc chỉ thông tin lên không gian mạng. Sở Thông tin và Truyền thông khuyến cáo với người dân khi sử dụng mạng xã hội, thứ nhất là cần có kiến thức về bảo mật và an toàn thông tin; không đăng nhập tài khoản vào những thiết bị lạ, nếu buộc phải đăng nhập thì cần đăng xuất khi hết phiên làm việc; bật chế độ không kết bạn với người lạ trên zalo; đặt mật khẩu và thay đổi mật khẩu thương xuyên”.

Các cơ quan chức năng còn khuyến cáo, hiện nay, ngoài thủ đoạn giả danh tài khoản zalo, đối tượng xấu còn tấn công, chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội facebook để thực hiện lừa đảo chiếm đoạt tài sản cũng bằng cách nhắn tin mượn tiền, vay tiền. Để tránh bị các đối tượng xấu lừa đảo thông qua mạng xã hội như zalo, facebook, quý vị và các bạn cũng cần lưu ý thêm những điểm sau:

- Không cài đặt ứng dụng lạ và bấm vào đường link khi chưa có thông tin cụ thể.

- Thay đổi mật khẩu email dùng làm icloud, sử dụng chữ in hoa, số và ký tự đặc biệt.

- Khi mua bán trao đổi máy, cần reset máy đưa về tình trạng ban đầu của nhà sản xuất.

- Cảnh giác khi cung cấp những tin tức quan trọng.

- Cảnh giác với người quen khi đã kết bạn với nhau trên mạng xã hội bỗng nhiên lại kết bạn lại.

- Cảnh giác với lời mời kết bạn là những người bạn đã quen biết bằng cách vào kiểm tra lịch sử hoạt động.