Cai nghiện ma túy: Lấy người bệnh làm trung tâm (Cam 12/1)
Anh Dương Văn Công (bên phải) có nhiều biến chuyển sau khi cai nghiện ma túy 6 tháng tại cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện huyện Đồng Hỷ

37 tuổi, nhưng anh Dương Văn Công, ở phường Chùa Hang, thành phố Thái Nguyên đã có gần 20 năm lạc vào vòng xoáy của ma túy. Nhận được sự động viên của gia đình cũng như quyết tâm cai nghiện của bản thân, anh Công đã tự nguyện đi cai nghiện ma túy. Sau hơn 6 tháng điều trị, với sự quan tâm, săn sóc của các cán bộ nơi đây, sức khỏe anh Công đã có nhiều biến chuyển.

Anh Công chia sẻ: “ Tôi sẽ điều trị 6 tháng nữa sẽ điều trị thành công, trở về với gia đình và xã hội.”

Cai nghiện ma túy: Lấy người bệnh làm trung tâm (Cam 12/1)
Các học viên được dạy nhiều nghề khi cai nghiện ma túy tại trung tâm

Trong quá trình điều trị cai nghiện ma túy tại Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện huyện Đồng Hỷ, hơn 40 học viên tại đây được dạy nhiều nghề như: mây tre đan, nông lâm nghiệp, chăn nuôi, tư vấn kỹ năng hòa nhập cộng đồng và tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao do đơn vị tổ chức. Qua thống kê, từ năm 2016 đến nay, đã có gần 30 học viên của cơ sở cai nghiện thành công và được cho ra khỏi danh sách người nghiện ma túy tại địa phương.

Anh Lê Sỹ Việt, cán bộ Cơ sở Điều trị nghiện tự nguyện huyện Đồng Hỷ cho biết: “Đối với mỗi cán bộ, đảng viên trong cơ quan luôn gần gũi, chia sẻ, động viên những người nghiện ma túy, mong họ trở thành người công dân có ích, sau này trở về với xã hội.”

Để giúp người nghiện từ bỏ được ma túy, ngoài việc tuân thủ phác đồ điều trị và nỗ lực, quyết tâm của các học viên, thì rất cần sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể trong việc quản lý đối tượng sau cai. Ngoài ra, cần sự phối hợp, tạo điều kiện về việc làm để họ có thể ổn định cuộc sống, là đòn bẩy giúp họ đoạn tuyệt với ma túy và trở thành những công dân có ích cho cộng đồng./.