Bộ trưởng Công Thương: Sẽ đóng cửa nhà máy gây ô nhiễm môi trường
Báo cáo tại cuộc họp khẩn lãnh đạo các tập đoàn lớn thuộc Bộ Công Thương chiều 6/10, ông Trần Văn Lượng, cục trưởng Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Cục ATMT) cho biết, công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có nguy cơ gây tác động lớn đến môi trường phần lớn đã được chấp hành các thủ tục pháp lý, hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường khi dự án đi vào hoạt động.
Xử lý việc phát tán bụi tại bãi xỉ Nhiệt điện Vĩnh Tân. |
Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số doanh nghiệp chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; không vận hành hệ thống xử lý nước thải. Tại các nhà máy nhiệt điện, nước thải chủ yếu chỉ có nước làm mát bình ngưng là thải ra môi trường, xả nước nóng ra môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường thủy sinh.
Tại các nhà máy nhiệt điện, việc kiểm soát bụi, khí thải rất được quan tâm, tuy nhiên có một số nhà máy, khi khởi động lò hơi hoặc khi công suất lò thấp phải đốt kèm dầu FO, HFO khi đó, hệ thống lọc bụi tĩnh điện không hoạt động được do nguy cơ cháy nổ nên người dân quan sát thấy hiện tượng khói đen tại miệng ống khói.
Một số nhà máy luyện thép, mặc dù đã được lắp hệ thống kiểm soát bụi, khí thải tuy nhiên do nhà máy đã cũ, công nghệ lạc hậu nên bụi vẫn không được kiểm soát triệt để
Ở các cơ sở phát sinh khối lượng lớn chất thải rắn thông thường như tro, xỉ thạch cao, bụi, xỉ lò luyện kim đa số phải áp dụng công nghệ chôn lấp hoặc đổ thải tại các bãi thải. Tuy nhiên, trong tình hình mưa lũ và thời tiết cực đoan hiện nay, phương pháp này tiềm ẩn nhiều nguy cơ sạt lở, ô nhiễm.
“Mặc dù các đơn vị đều đã thuê đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại nhưng hầu hết đều mắc một số lỗi như thu gom và phân loại chất thải nguy hại chưa triệt để, xây kho lưu giữ chất thải nguy hại không đúng quy định, lưu giữ chất thải nguy hại tạm thời chưa đúng quy định, quản lý chứng từ chất thải nguy hại chưa chặt chẽ”, ông Lượng chỉ rõ.
Nêu ý kiến tại cuộc họp này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh mong muốn những người đứng đầu các Tập đoàn, Tổng công ty lớn của ngành phải cam kết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”. Đồng thời, Bộ trưởng khẳng định sẽ kiên quyết đóng cửa những nhà máy, dự án nào có kết luận gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.
“Bằng mọi giá các tập đoàn phải xóa đi nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi nhắc đến nhiệt điện lại rùng mình coi đó là bệnh tật, là ô nhiễm, là ung thư…. Chúng ta không được đánh đổi bất cứ thứ gì, giữ môi trường cũng là giữ sự sống cho tương lai. Khi người dân còn bày tỏ lo ngại về công nghệ, về vấn nạn môi trường là có phần trách nhiệm của các doanh nghiệp chưa giải thích, cung cấp thông tin đầy đủ cho người dân hiểu”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ rõ.
Để giải quyết những vấn đề còn tồn tại, Bộ trưởng yêu cầu các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Bộ cần chủ động cung cấp thông tin về công tác bảo vệ môi trường; xem xét thành lập bộ phận chuyên trách về công tác môi trường tại các doanh nghiệp quy mô lớn, tăng cường kiểm soát chất lượng và thực hiện đầy đủ các cam kết đã được phê duyệt tại các Báo cáo ĐTM.
Bộ trưởng yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư phải hoàn thành đầy đủ các hạng mục, công trình bảo vệ môi trường theo cam kết của ĐTM trong giai đoạn vận hành thử nghiệm 6 tháng trước khi bàn giao. Quy trình này phải được thông báo rộng rãi đến chính quyền địa phương để chính quyền và người dân địa phương giám sát.
Bên cạnh, các doanh nghiệp cần tăng cường công tác quản lý chất thải nguy hại, kiểm soát chặt chẽ nước thải, khí thải trước khi xả thải ra môi trường. Riêng đối với các nhà máy nhiệt điện than, EVN, PVN, TKV cần xây dựng lộ trình để cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, đảm bảo có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các địa phương thông báo rộng rãi cho người dân biết để tham gia giám sát.
Đối với hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản cần rà soát, đánh giá nguy cơ sạt lở của toàn bộ các bãi thải, phối hợp với chính quyền địa phương di dời các hộ dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở. Tăng cường kiểm tra, giám sát hệ thống công nghệ, các kho, bồn chứa, tuyến ống vận chuyển các loại hóa chất, hệ thống đê, kè của các hồ chứa nước thải quặng đuôi để phòng ngừa các sự cố có thể xảy ra.
“Các Tập đoàn, Tổng công ty chỉ đạo các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với nguồn phát sinh chất thải của mình, chủ động tìm kiếm các giải pháp để xử lý và tiêu thụ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo./.