Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Uỷ viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Phạm Hoàng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; các đồng chí Uỷ viên BTV Tỉnh ủy, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác Trung ương làm việc tại Thái Nguyên
Toàn cảnh hội nghị

Đại diện lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã báo cáo nhanh với Đại tướng Phan Văn Giang và đoàn công tác của Trung ương về tình hình phát triển KT-XH của tỉnh từ đầu năm đến nay. Theo đó, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) quý I của Thái Nguyên tăng 6,53% so với cùng kỳ và cao hơn bình quân chung 3,32% của cả nước. 4 tháng đầu năm, trong khi chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của cả nước giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước, thì IIP của hái Nguyên tăng 4,54%; tổng kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hoá trên địa bàn đạt 15,5 tỷ USD, giảm 19,3% so với cùng kỳ; tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 5.200 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán Bộ Tài chính giao; 09 dự án FDI đã được cấp mới với tổng số vốn đăng ký gần 98,3 triệu USD, lũy kế đến nay trên địa bàn tỉnh có 181 dự án FDI còn hiệu lực với tổng mức đầu tư đăng ký đạt gần 10,5 tỷ USD; giải ngân vốn đầu tư công đạt 16% kế hoạch vốn TTCP giao, ước thực hiện đến hết tháng 5 đạt gần 25% so với kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Kế hoạch đầu tư công năm 2023 tỉnh Thái Nguyên phân bổ cho 80 dự án, trong đó 30 dự án có tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng. Tỉnh đã tập trung bố trí vốn, đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án, đặc biệt là các công trình giao thông trọng điểm, như: Dự án Tuyến đường liên kết, kết nối các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang và Vĩnh Phúc; Dự án Đường vành đai V. Các lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, dịch vụ, ngân hàng, văn hóa xã hội, an ninh, quốc phòng được duy trì ổn định và tăng trưởng khá.

Tuy nhiên, không nằm ngoài những khó khăn chung của nền kinh tế thế giới và cả nước, tỉnh Thái Nguyên vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là khi kim ngạch xuất - nhập khẩu giảm; công tác thu hút đầu tư, nhất là thu hút các dự án FDI có quy mô lớn gặp nhiều khó khăn… Những vướng mắc về thể chế, về công tác triển khai thực hiện các dự án và giải ngân vốn đầu tư công gắn với các chương trình, dự án cụ thể cũng đã được tỉnh Thái Nguyên đề cập tại buổi làm việc.

Trao đổi với đoàn công tác, tỉnh Thái Nguyên cũng nêu ra những khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội; quản lý, cấp phép khoáng sản; chính sách tín dụng; lĩnh vực y tế; lao động và thị trường… Trên cơ sở đó, tỉnh đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách, ưu đãi đầu tư mới để duy trì sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI lớn khi thực hiện chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng cụm liên kết sản xuất điện, điện tử, cơ khí chế tạo tại Thái Nguyên và Bắc Giang theo hướng ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường…

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành Trung ương đã trao đổi, làm rõ các đề xuất của tỉnh Thái Nguyên về triển khai thực công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, GPMB; điều chỉnh thời gian thực hiện các thủ tục triển khai dự án đầu tư công; nghiên cứu, rà soát quy định về cấp phép khai thác khoáng sản đối với đất dư thừa, đất làm vật liệu san lấp ở khu vực có dự án đầu tư xây dựng công trình nhằm đơn giản hóa thủ tục cấp phép khai thác, đảm bảo nguồn cung vật liệu san lấp, khu vực đổ thải phục vụ các công trình, dự án….

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên đã chia sẻ, làm rõ hơn 1 số nội dung, những khó khăn, vướng mắc mà tỉnh đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các dự án, chương trình phát triển KT-XH và mong muốn bộ ngành, sớm tham mưu cho Chính phủ có những giải pháp cụ thể, nhằm tháo gỡ khó khăn cho địa phương để đảm bảo tiến độ triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch đã được phê duyệt… tạo sự phát triển toàn diện và bền vững cho tỉnh Thái Nguyên.

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và đoàn công tác Trung ương làm việc tại Thái Nguyên
Đại tướng Phan Văn Giang phát biểu tại hội nghị

Kết luận buổi làm việc, Đại tướng Phan Văn Giang đánh giá cao những nỗ lực và kết quả tỉnh Thái Nguyên đạt được trong phát triển KT-XH thời gian qua. Đồng chí đề nghị, tỉnh sớm giải quyết những vấn đề tồn tại trong phát triển KT-XH, xây dựng hạ tầng… nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho phát triển KT-XH địa phương. Để hỗ trợ tỉnh Thái Nguyên tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình, dự án, đồng chí đề nghị các bộ, ngành Trung ương tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của tỉnh và nghiên cứu, tổng hợp, báo cáo Chính phủ nhằm sớm đưa ra các giải pháp phù hợp với thực tiễn, tạo động lực hỗ trợ địa phương đẩy mạnh phát triển KT-XH theo hướng bền vững./.