Bố trí nguồn nhân lực phù hợp với chương trình phổ thông mới

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, lớp 7 không còn hai môn Sinh học và Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên; hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại. Tuy nhiên, số tiết và nội dung vẫn giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành. Trong khi vừa thiếu giáo viên theo biên chế theo quy định, vừa thiếu giáo viên giảng dạy chương trình phổ thông mới, trường THCS Nha Trang - Thành phố Thái Nguyên đã thực hiện hợp đồng định mức khoán với 14 giáo viên và tiến hành bố trí, sắp xếp số tiết học phù hợp với từng giáo viên bộ môn.

Cô giáo Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Nha Trang, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Đối với những giáo viên được đào tạo 2 bộ môn Vật lý và Hóa Học thì dạy phân môn Lý-Hóa, đối với những giáo viên được đào tạo môn Hóa Học và Sinh Học thì sẽ dạy phân môn Hóa-Sinh, Nhà trường sẽ phân môn cho các thầy cô dạy đảm bảo đủ số tiết trong năm học".

Bố trí nguồn nhân lực phù hợp với chương trình phổ thông mới

Đối với lớp 3, năm học này môn tiếng Anh và Tin học là 2 môn học bắt buộc. Để đảm bảo việc tổ chức dạy và học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới, đồng thời khắc phục những khó khăn do thiếu giáo viên 2 bộ môn Tin học và Tiếng Anh, các trường tiểu học, THCS trên cùng một địa bàn đã phối hợp để sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Văn Lăng, Đồng Hỷ cho biết: "Chúng tôi phối hợp với trường THCS trên địa bàn để trao đổi giữa giáo viên Âm Nhạc và giáo viên Tiếng Anh để có thêm định mức do thiếu giáo viên".

Bà Nguyễn Thị Lượng, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Phổ Yên cho biết: "Khi duyệt kế hoạch thì phòng Giáo dục đã xây dựng phương án sử dụng giáo viên dạy liên trường, theo đó giáo viên dạy THCS có chuyên môn tin học, ngoại ngữ được điều xuống dạy các trường tiểu học và các trường trên cùng địa bàn".

Cùng với đó, giải pháp tiếp tục thực hiện hợp đồng định mức khoán đối với giáo viên các môn học mới, môn học bắt buộc cũng đã được các nhà trường thực hiện.

Cô giáo Lại Thị Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân, TP Thái Nguyên cho biết: "Đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt là đối với môn Tiếng Anh, Trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân hiện nay cũng đang thiếu giáo viên, nên chúng tôi đã xây dựng kế hoạch và bố chí giáo viên đầy đủ và ổn định".

Trên thực tế, hợp đồng định mức khoán hay điều động giáo viên dạy liên trường đang là những giải pháp tối ưu để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh đó, năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và đào tạo tỉnh Thái Nguyên được giao bổ sung 1.157 biên chế. Với nguồn nhân lực được bổ sung này sẽ bước đầu khắc phục những khó khăn của ngành GD và ĐT hiện nay./.