Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi mùa mưa bão
Đập tràn của hồ Bảo Linh đã được sửa chữa, nâng để bà con đi lại thuận tiện mùa mưa bão.

Nếu như trước đây, mỗi mùa mưa bão người dân trong xóm Quế Linh, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa không thể đi qua đập tràn của hồ Bảo Linh bởi nước dâng lên nguy hiểm mà phải đi vòng qua nhiều đoạn đường để đi ra huyện. Năm nay, niềm vui đã đến với người dân trong xóm khi đập tràn này đã được sửa chữa, nâng lên để bà con có thể đi lại thuận tiện kể cả trong mùa mưa bão.

Ông Đặng Văn Song, Trưởng xóm Quế Linh, xã Bảo Linh, huyện Định Hóa cho biết: "Xây dựng được đập tràn này bà con nhân dân xã Bảo Linh rất cảm ơn và sẽ thông thương lại các tuyến đường và hàng hóa của xã ra đến trung tâm huyện. Chúng tôi cũng rất mong muốn trước khi mùa mưa bão sẽ hoàn thành đảm bảo cho người dân đi lại".

Bảo đảm an toàn công trình thủy lợi mùa mưa bão
Công trình kè khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư phường Tân Phú, TP Phổ Yên.

Tân Phú là Phường có địa hình trũng thấp, trong đó có nhiều hộ sinh sống ở ngoài đê sông Cầu, mỗi năm người dân thường phải hứng chịu từ một đến ba trận lũ lụt, đời sống người dân rất khó khăn. Với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, mùa mưa lũ tới, cuộc sống của người dân xã Tân Phú sẽ ổn định hơn trước rất nhiều khi công trình kè khắc phục khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ sông bảo vệ khu dân cư phường Tân Phú, TP Phổ Yên đã được đưa vào khai thác trước khi mưa lũ tràn về.

Ông Lê Xuân Nhâm, phường Tân Phú TP Phổ Yên vui vẻ: "Đến giờ phút này đã trải qua mấy đợt mưa lũ rồi, có kè rồi rất yên tâm, không có chỗ nào phải sửa là chúng tôi lại càng yên tâm hơn. Rất cảm ơn Nhà nước, từ bây giờ chúng tôi quá yên tâm về cái kè không cònbị sạt lở như trước nữa".

Còn đối với hệ thống đê điều, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 7 tuyến đê với tổng chiều dài trên 48km, thuộc địa phận huyện Phú Bình, TP Phổ Yên và T.P Thái Nguyên. Trước mùa mưa bão, Sở Nông nghiệp và PTNT đã triển khai, chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm năm 2022, trình UBND tỉnh phê duyệt theo quy định. Điển hình như, Tuyến đê Chã, thuộc địa phận TP. Phổ Yên, mặt đê đã được cứng hóa bằng bê tông nhựa và bê tông xi măng với chiều rộng từ 4m trở lên, đoạn từ Km0 đến Km4+800 đang được đầu tư nâng cấp kết hợp giao thông với mặt đê rộng 10m.

Ông Nguyễn Văn Quảng, Hạt trưởng Hạt quản lý đê TP. Phổ Yên cho biết: "Những ngày mưa bão khi lũ lên, chúng tôi chỉ đạo lực lượng thủ kè, thủ cống thường xuyên có mặt tại cống để trực khi có tình huống xảy ra, báo cáo để kịp thời tham mưu cho các cấp xử lý".

Năm 2022, Thái Nguyên xác định có 9 khu vực trọng điểm, xung yếu cần phải xây dựng phương án hộ đê. Trước tình hình trên, cơ quan chức năng tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng phương án bảo vệ trọng điểm tại 9 vị trí xung yếu. Đồng thời, chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, vật lực, phương tiện để triển khai phương án phòng, chống thiên tai, phương án hộ đê theo kế hoạch đề ra.

Ông Nguyên Văn Bắc, Chi Cục phó, Chi Cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Ngay từ đầu năm chúng tôi đã triển khai việc phát áp phích tờ rơi về cảnh báo thiên tai cũng như khi thiên tai xảy ra. Hướng dẫn nhân dân phải thực hiện, đặc biệt chính quyền địa phương phải sử dụng lực lượng xung kích phòng chống thiên tai ở các xã ven đê, công tác tập huấn, tuyên truyền và trang thiết bị về phòng chống thiên tai phải được trang bị đầy đủ

Việc đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi có ý nghĩa rất quan trọng trong việc điều tiết nước phục vụ sản xuất, giảm ngập úng, hạn chế lũ trong mùa mưa bão. Với sự chủ động của các đơn vị quản lý, khai thác cùng sự quan tâm chỉ đạo của ngành chức năng, chính quyền các cấp, các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh sẽ phát huy hết hiệu quả công năng, góp phần đảm bảo an toàn tài sản, hoạt động sản xuất của người dân.