Báo chí Việt Nam - Từ thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc
Ấn phẩm báo chí Thái Nguyên tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam

Với chủ đề “Từ Thủ đô Hà Nội đến Chiến khu Việt Bắc” - không gian trưng bày của triển lãm mang đậm dấu ấn của đời sống đồng bào vùng Việt Bắc. Từ năm 1947, Việt Bắc trở thành thủ đô kháng chiến, nơi quy tụ của các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước ta. Đây cũng là cái nôi của báo chí cách mạng thời kỳ này. Tại Thái Nguyên và các tỉnh Việt Bắc, nhiều cơ sở báo chí cách mạng đã ra đời và xuất bản những ấn phẩm đầu tiên ngay giữa chiến khu.

Bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi lớp học viết báo Huỳnh Thúc Kháng và những hình ảnh tư liệu về Trường dạy báo chí Huỳnh Thúc Kháng - cơ sở đào tạo báo chí đầu tiên trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp là một trong hàng trăm tư liệu về Báo chí Việt Nam được trưng bày tại triển lãm trưng bày chuyên đề “Báo chí Việt Nam - Từ thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”. Đây sẽ là nguồn tư liệu quý giá cho thế hệ trẻ làm báo hôm nay. Nguồn tư liệu lịch sử quý giá sống mãi với thời gian.

Báo chí Việt Nam - Từ thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc
Báo Quốc hội, tờ báo chỉ xuất bản duy nhất trong kỳ tổng tuyển cử đầu tiên.

Nhà báo Nguyễn Bảo Lâm, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên cho biết: “Tôi cho rằng việc rèn luyện đạo đức cách mạng, nâng cao đạo đức người làm báo là điều hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay. Khi mà chúng ta có đội ngũ báo chí vô cùng đông đảo, hệ thống cơ quan báo chí vô cùng lớn thì rõ ràng những tư liệu, hiện vật, thông tin bổ ích từ Bảo tàng Báo chí Việt Nam như thế này, mỗi người làm báo về đây thăm là thêm một lần chúng ta nhìn thấy rằng chúng ta cần phải cố gắng phấn đấu như thế nào để giúp cho sự nghiệp báo chí cách mạng Việt Nam lâu dài”.

“Báo chí Việt Nam 1946-1954 - Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc” được nghiên cứu và khai thác, tái dựng với tính chất gợi mở về một giai đoạn lịch sử vẻ vang gắn với các sự kiện báo chí tiêu biểu. Trải qua 75 năm, báo chí cách mạng đã có một bước trưởng thành và lớn mạnh vượt bậc ngay cả trong hoàn cảnh khắc nghiệt nhất của cuộc chiến tranh vệ quốc. Những tư liệu và hiện vật được trưng bày là di sản báo chí vô giá được gây dựng và để lại từ lao động sáng tạo và sự cống hiến, hy sinh của cả một thế hệ nhà báo - chiến sỹ.

Báo chí Việt Nam - Từ thủ đô Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc
Khai trương triển lãm và tọa đàm “Báo chí Việt Nam 1946-1954 - Từ Hà Nội đến chiến khu Việt Bắc”.

Nhà báo Trần Hồng, Nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân Việt Nam khẳng định: “Chúng ta làm báo, cuối cùng đấy là sản phẩm, đấy là nhân cách. Hôm nay đến đây, gặp được những người làm báo đầy nhân cách của Việt Nam”.

Bà Trần Thị Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho rằng: “Trong gian khó của cuộc kháng chiến, mà thủ đô cũng như mọi hoạt động lớn nhất đều đặt trong rừng thì làm báo trong rừng không chỉ là những khó khăn, mà còn là câu chuyện của sự sáng tạo”.

Có mặt tại buổi trưng bày triển lãm và tọa đàm, còn có nhiều nhân chứng lịch sử là những nhà báo cách mạng đã cống hiến cả cuộc đời vào sự nghiệp phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Những câu chuyện được chia sẻ đã tái hiện lại trong lớp thế hệ làm báo hôm nay về một giai đoạn gian khổ đầy tự hào của báo chí cách mạng. Đây cũng sẽ là động lực để thôi thúc đội ngũ người làm báo, hội viên hội nhà báo Việt Nam tiếp tục góp Tâm - Sức - Trí để viết tiếp trang sử vẻ vang này./.