Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất rau
Toàn cảnh hội nghị

Toàn tỉnh có trên 14.700 ha rau sản xuất hằng năm với năng suất bình quân đạt 177 tạ/ha, sản lượng đạt trên 260.400 tấn. Cơ cấu, chủng loại rau của tỉnh khá phong phú và đa dạng. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh nên nhiều đơn vị sản xuất trên lĩnh vực này đã hạn chế sản xuất từ đầu năm 2021. Doanh nghiệp Tư nhân Cao Bắc là một ví dụ.

Toàn bộ trang trại sản xuất nông nghiệp sạch của doanh nghiệp Tư nhân Cao Bắc còn 2 lĩnh vực là chăn nuôi và trồng dưa lưới. Tuy nhiên, 2 lĩnh vực này cũng cầm chừng vì có trồng ra thì đầu ra cũng chỉ tiêu thụ cầm chừng.

Anh Diệp Ngọc Cảnh, Doanh Nghiệp Tư nhân Cao Bắc cho biết: “Từ đầu năm 2021, trang trại nông nghiệp sạch của doanh nghiệp tư nhân Cao Bắc sản xuất cầm chừng do dịch và tình hình chung”.

Tại hội nghị, các hộ sản xuất, hợp tác xã và đơn vị trồng rau đã đưa ra nhiều kết nối cung cầ, nâng cao chất lượng, tăng giá trị nông sản giúp người trồng rau và nông dân vượt qua khó khăn ở thời điểm hiện tại đồng thời đón đầu xu hướng nông nghiệp hậu COVID-19.

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất rau
Đầu ra cho nhiều sản phẩm nông sản trong mùa dịch COVID-19, đặc biệt là rau màu đang khiến người trồng gặp khó khăn

Bà Nguyễn Thị Xuyến, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản Minh Vân, Thái Nguyên cho rằng: “Cái vướng mắt nhất trong tiêu thụ nông sản đó là giá cả. Thực tế là sản xuất thì không quá khó, tuy nhiên phải có giá cả như thế nào để người trồng có lãi. Giá cả tại chỗ giữa các doanh nghiệp đã có sự cạnh tranh rồi nên rất khó”.

Về phía ngành nông nghiệp cũng đã chỉ ra những hạn chế trong quá trình sản xuất, thâm canh nông sản, đặc biệt là rau đồng thời đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cho người sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất rau ở thời điểm hiện tại.

Ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên phân tích: “Phải làm thế nào để người dân có điều kiện kết nối với các chuỗi tiêu dùng như bếp ăn tập thể trong trường học, trong các doanh nghiệp, các đơn vị bếp ăn tập thể trên địa bàn”.

Nội dung của hội nghị sẽ được tiếp thu và thực hiện trong thời gian tới, đặc biệt là nội dung định hướng tạo cơ chế chứ không thể chỉ trông chờ vào hỗ trợ, giải cứu như hiện nay. Vấn đề này cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương và ngành nông nghiệp để cùng hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững.