Bài học đắt giá khi kết thân với những vị khách nước ngoài trên mạng xã hội
Thủ đoạn tin nhắn lừa đảo của các đối tượng.

Hơn 1 năm trước, khi sử dụng mạng xã hội Facebook thì chị Nguyễn Thị L được một người đàn ông tên nước ngoài kết bạn và nhắn tin làm quen. Sau một thời gian nhắn tin trò chuyện thân mật bằng tiếng Việt trên Facebook, người đàn ông cho biết hiện đang sinh sống tại Mỹ và sẽ chuyển cho chị một gói quà có giá trị lớn thông qua một Công ty chuyển hàng quốc tế tại thành phố Hồ Chí Minh. Sau đó, chị nhận được cuộc điện thoại của một người xưng là nhân viên Công ty chuyển hàng quốc tế thông báo cho chị có một món quà được gửi từ nước ngoài, để hoàn tất thủ tục nhận quà, chị phải chuyển 16 triệu đồng vào tài khoản của chúng.

Nguyễn Thị L kể lại: "Ban đầu nó yêu cầu nộp 16 triệu, sau đó gọi điện cho tôi liên tục, nói là số quà có giá trị rất lớn, phải nộp thêm 45 triệu nữa mới lấy được quà ra. Khi tôi nộp tiền 3 lần rồi nó lại bảo phải nộp thêm phí trông kho, phí rửa tiền... mỗi lần nó đưa ra 1 lý do khác nhau đều bắt tôi nộp tiền vào đó, tôi sợ mất những khoản tiền đã nộp trước đó nên cứ tiếp tục nộp vào, tổng cộng 7 lần và số tiền là 1 tỷ 037 triệu".

Cùng chung cảnh ngộ như chị L, cuối năm 2019, tại một lớp học ngoại ngữ, ông V cư trú tại huyện Đồng Hỷ tình cờ gặp gỡ, làm quen với một người từ xưng là Kelly, đến từ nước Anh. Sau đó, qua Zalo, Kelly chủ động nói chuyện, kết thân và hứa chuyển cho ông V số tiền 1 triệu USD. Vài hôm, người này bảo với ông V đã chuyển thành công 1 triệu USD, cùng ngày, một nhân viên tự xưng kế toán kho Sân bay và một tài khoản Zalo “Giao hàng tận nhà” gọi điện, nhắn tin báo cho ông V là có một số tiền lớn của ông đang bị Cục Hải quan tạm giữ, để làm các thủ tục nhận quà, ông phải chuyển tiền cho chúng. Tin tưởng các đối tượng, bằng các thủ đoạn lôi kéo, dụ dỗ chúng đã đề nghị ông V chuyển 5 lần với số tiền gần 800 triệu đồng.

Bài học đắt giá khi kết thân với những vị khách nước ngoài trên mạng xã hội

Thượng tá Vương Phạm Hòa, Phó Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Thủ đoạn cũng không mới nhưng người dân ở Thái Nguyên tiếp tục bị tội phạm công nghệ cao thực hiện hành vi lừa đảo như giả mạo cơ quan Nhà nước, cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan Thuế thông báo về việc vi phạm pháp luật. Các đối tượng cũng có thể tạo lập các ứng dụng trò chơi điện tử, đặt cược, cá cược trên mạng với những thông tin để người dân có thể tham gia chơi, thời gian đầu bọn chúng để người chơi thắng cược, chúng thưởng được nhận tiền, sau đó thì dụ dỗ họ cá cược với mức tiền lớn hơn rồi cắt liên lạc và đánh sập các ứng dụng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản".

Tựu chung lại ở dạng lừa đảo này là các đối tượng lợi sự nhẹ dạ, cả tin và sự mơ hồ, thậm chí mù quáng của nạn nhân trước lợi ích vật chất để dẫn dắt, lừa cho nạn nhân chuyển tiền. Thậm chí có những bị hại đến làm việc với cơ quan Công an vẫn cho rằng mình không bị lừa, vẫn tin quà của bạn nước ngoài đã chuyển đến Việt Nam nhưng đang bị những kẻ xấu tìm cách chiếm đoạt.