40.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp
Sự kỳ vọng vào mỗi chính sách hỗ trợ là điều dễ hiểu, tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào cũng đáp ứng được điều kiện đề ra.

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021, lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương đã có đánh giá về những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra trong 2 năm 2020 và 2021. Theo đó, mức tăng trưởng GDP 7% trong giai đoạn này của cả nước đã không đạt kế hoạch đề ra, mà lần lượt chỉ ở mức 2,91 và 2,5%. Ước tính theo giá trị tuyệt đối, thiệt hại năm 2020 là khoảng 160.000 tỷ đồng và năm 2021 là khoảng 346.000 tỷ đồng. Cộng chung 2 năm con số này là 847.000 tỷ đồng, tương đương 37 tỷ USD. Thái Nguyên là trung tâm kinh tế vùng Trung du miền núi phía Bắc nên những thiệt hại gây ra cũng ở mức cao. Trong hoàn cảnh đó, bất kể sự hỗ trợ nào cũng là điều đáng mừng, góp thêm động lực và nguồn lực để doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường và ổn định.

Nội dung Nghị định 31 hướng đến là hỗ trợ trực tiếp đến các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh với mức 2%. Các đối tượng hỗ trợ thuộc 11 ngành: Hàng không; vận tải kho bãi; du lịch; dịch vụ lưu trú, ăn uống; giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin.

Ông Bùi Trung Dũng, Phó Giám đốc Agibank chi nhánh Thái Nguyên cho hay: "Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với khách hàng đang quan hệ tín dụng với ngân hàng để hỗ trợ. Chúng tôi hướng dẫn khách hàng làm giấy đề nghị hỗ trợ; ký những thủ tục thỏa thuận bổ sung để hỗ trợ. Trong thời gian tới, chúng tôi cũng tích cực tiếp cận đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thuộc lĩnh vực Chính phủ hỗ trợ 2% lãi suất để tư vấn, hỗ trợ các đơn vị này được hưởng các chính sách của Nhà nước".

40.000 tỷ đồng hỗ trợ cho doanh nghiệp
Các ngân hàng sẽ tổng hợp và báo cáo dự toán trong 2 năm 2022 và 2023.

Về thời gian thực hiện, khách hàng được giảm trực tiếp đối với kỳ hạn trả nợ từ cuối tháng 5/2022 đến hết năm 2023, hoặc khi gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng được sử dụng hết. Các ngân hàng sẽ tổng hợp và báo cáo dự toán trong 2 năm 2022 và 2023. Trường hợp nhỏ hơn hoặc bằng 40.000 tỷ đồng, Ngân hàng Nhà nước xác định hạn mức hỗ trợ lãi suất đối với từng ngân hàng thương mại theo đăng ký. Trường hợp lớn hơn 40.000 tỷ đồng sẽ xác định hạn mức với từng ngân hàng thương mại nhất định. Như vậy, các doanh nghiệp dù nằm trong 11 ngành, nghề nhưng cần phải sớm nắm bắt thông tin và tìm hiểu tại ngân hàng mình đang có giao dịch để các ngân hàng có thể đưa vào kế hoạch báo cáo Ngân hàng Nhà nước. Đây không phải vấn đề phức tạp mà cần sự chủ động của chính các doanh nghiệp. Việc sớm xây dựng kế hoạch cũng góp phần giúp các doanh nghiệp sớm nhận được khoản hỗ trợ này từ ngân sách Nhà nước. Thời gian dịch bệnh vừa qua, mọi ngành nghề đều chịu ảnh hưởng một cách nặng nề; nhất là các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận tải. Nền kinh tế đang trên bước đầu phục hồi, gói hỗ trợ lần này sẽ là trợ lực cho sự trở lại.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn SVN Group cho biết: "Tôi đánh giá hiện nay với chính sách hỗ trợ của Chính phủ về lãi suất cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp về du lịch là một trong những chính sách cần thiết và là hỗ trợ động lực cho các doanh nghiệp để bù đắp lại 2 năm vừa qua đã chiến đấu với dịch bệnh. Hiện nay, doanh nghiệp của chúng tôi hay các doanh nghiệp về lữ hành du lịch cũng rất mong muốn sẽ sớm được các ngân hàng hỗ trợ và sẽ được nhận những ưu đãi từ chính sách của Chính phủ".

Khó khăn hơn ngành du lịch, lĩnh vực vận tải cũng đang hết sức chật vật. Dịch COVID-19 qua đi thì bão giá xăng dầu lại ập đến khiến chi phí tăng cao trong khi nhu cầu vận tải chưa có quá nhiều chuyển biến. Khảo sát tại 1 số doanh nghiệp vận tải tại thành phố Thái Nguyên, việc vận hành 100% công suất là điều không thể. Nhiều đơn vị chỉ duy trì ở mức 60-70%.

Ông Lê Quốc Huy, Giám đốc Doanh nghiệp Tư nhân Huy Ngọc chia sẻ: "Nếu Nhà nước triển khai gói này sẽ kích thích rất tốt đối với doanh nghiệp; chúng tôi mong muốn cơ quan liên quan triển khai chương trình càng sớm càng tốt".

Sự kỳ vọng vào mỗi chính sách hỗ trợ là điều dễ hiểu, tuy nhiên, không phải mọi doanh nghiệp, tổ chức kinh tế nào cũng đáp ứng được điều kiện đề ra. Đơn giản nhất phải kể đến 1 số yêu cầu như: Không có nợ xấu, phải có doanh thu và lợi nhuận đồng thời phải có tài sản đảm bảo… Ngoài ra, 1 số doanh nghiệp cũng cho rằng thời gian thực hiện khoảng 18 tháng với 40.000 tỷ đồng vẫn còn “ngắn” và “thấp”.

Ông Bùi Trung Dũng, Phó Giám đốc Agibank chi nhánh Thái Nguyên thông tin: "Năm 2022, dự kiến doanh số cho vay khoảng 2.600 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ khoảng 30 tỷ đồng. Năm 2023, doanh số dự kiến là 2.700 tỷ đồng và số tiền hỗ trợ khoảng 38 tỷ đồng. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường công tác truyền thông, tích cực làm việc với khách hàng để đảm bảo triển khai hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh đảm bảo minh bạch, công khai, tạo điều kiện nhất cho khách hàng".

Việc triển khai gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng là cần thiết, nhưng không thể đáp ứng được tất cả các nhu cầu. Điều mà hệ thống Ngân hàng Nhà nước hướng đến là công khai, minh bạch, đúng đối tượng và hạn chế rủi ro cho cả ngân hàng thương mại và khách hàng. Trước mắt, để đáp ứng nhu cầu chính đáng, các doanh nghiệp cần chủ động liên hệ với ngân hàng để có được thông tin chính xác về khoản vay của mình có được hỗ trợ hay không. Trong tương lai, việc có hay không các chương trình hỗ trợ khác cũng cần có thời gian để đánh giá nhu cầu và tình hình thực tế của thị trường./.