Sau mức tăng trưởng 15,1% của quý I, Bộ Công Thương dự báo, trong quý II, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực hơn. Nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế phân tích là do sự tăng giá các mặt hàng xuất khẩu chủ lực và lượng hàng xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm tăng lên so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Bộ Công Thương, quý 1 vừa qua, kim ngạch xuất khẩu của cả nước tăng trưởng cao hơn dự kiến. Cụ thể, trong tháng 3, kim ngạch xuất khẩu đạt 17,25 tỷ USD. Tính chung 3 tháng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 45 tỷ USD tăng 15% so với cùng kỳ năm ngoái.

xuat khau quy 2 nhieu tin hieu lac quan
Xuất khẩu quý II với nhiều dự báo khả quan. (Ảnh minh họa:KT)

Sự tăng giá ở hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực là nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu cao hơn so với dự kiến ban đầu như nhiên liệu khoáng sản, dầu thô, nhiên liệu khoáng sản, nông - lâm - thủy sản và công nghiệp chế biến... Ngoài ra, kim ngạch xuất khẩu sang một số thị trường trọng điểm cũng tăng mạnh hơn so với năm ngoái đó là Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, ASEAN…

Với xu hướng thuận lợi cả về giá cả và thị trường, Bộ Công Thương nhận định, trong quý 2, kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng theo chiều hướng tích cực. Bởi trong quý I, các doanh nghiệp đẩy mạnh nhập khẩu nhiều mặt hàng nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ sản xuất như xăng dầu, ngô, cao su, bông, sắt thép. Đây là tiền đề để xuất khẩu có khả năng tăng trưởng tốt hơn trong các tháng tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo chu kỳ, thông thường kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản đều giảm vào đầu năm, tăng vào giữa năm và đạt đỉnh vào cuối năm; các mặt hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn như dệt may, giày dép, đồ gỗ đều bước vào mùa vụ xuất khẩu từ giữa quý II.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng, mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng xuất khẩu của Việt Nam vẫn phụ thuộc khá lớn vào một số mặt hàng và thị trường. Do đó, để tăng trưởng xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần phải có giải pháp nâng cao hiệu quả xuất nhập khẩu, phải có nội lực tốt để có nguồn hàng xuất khẩu.

“Gia tăng nội lực thể hiện ở việc đổi mới công nghệ, đổi mới các phương pháp quản trị để theo kịp các quốc gia khác làm tăng giá trị cho doanh nghiệp. Việc phát triển thị trường thời gian qua đã làm khá tốt khi có sự đồng hành của cả chính phủ và doanh nghiệp. Đặc biệt Chính phủ luôn nỗ lực khai phá thị trường thông qua các Hiệp định thương mại tự do, đây là nỗ lực rất lớn khi Việt Nam đã ký thực hiện với 17 FTA khác nhau”, ông Hải nói./.