xu ly no xau viec cap bach nhung phai an toan 11151
Ảnh minh họa. ( Nguồn:dantri.com.vn).

Hiện việc xử lý nợ xấu ngân hàng chủ yều do Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) và các ngân hàng thực hiện là chính. Cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu đã được thực hiện hơn 3 năm nay, nhưng “ nợ xấu” vẫn chưa giảm như kỳ vọng!

Theo số liệu được công khai cho biết, sau 3 năm đi vào hoạt động, VAMC đã mua vào 251.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng mới chỉ thu hồi nợ lũy kế được 34.000 tỷ đồng. Năm 2016, VAMC đặt kế hoạch xử lý 30.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng tính đến tháng 8/2016, mới chỉ thu hồi được 11.000 tỷ đồng.

Nợ xấu của VAMC mua về rất khó bán, còn nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thời gian gần đây có xu hướng tăng lên. Tính đến cuối tháng 6/2016, có 11 ngân hàng "ôm" hơn 48.882 tỷ đồng nợ xấu. Điều đáng nói, có ngân hàng số nợ xấu tăng lên 5.366 tỷ đồng (tăng 8,6% so với cuối năm 2015).

Việc làm cho “cục máu đông” tan chảy quả là bài toán khó, nhất là khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, “ sức khỏe” của các doanh nghiệp trong nước còn yếu (nhiều doanh nghiệp vẫn phụ thuộc vào “ bầu sữa” ngân hàng). Khó, nhưng không có nghĩa là không có “ thuốc” chữa.

Xử lý nợ xấu trước hết cần công khai, minh bạch các khoản nợ xấu, kể cả những khoản nợ xấu đã mua mà không thể bán được. Việc công khai, minh bạch sẽ góp phần tạo lập thị trường mua - bán nợ hấp dẫn đối với người mua, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.

Việc định giá các khoản nợ xấu (tài sản là đất đai, nhà máy, công trình...) phải sát thực tế và thị trường. Nếu định giá theo kiểu “quen thân thì giá thấp”, “xa lạ thì giá thị trường”, không những không xử lý được nợ xấu mà còn tạo ra “sân trước, sân sau” cho nhóm lợi ích.

Bán nợ xấu, điều quan trọng phải thu được tiền thật, tức là ngân hàng không nên cho nhà đầu tư vay vốn lãi suất thấp để mua chính tài sản mình đang bán. Nếu giải quyết nợ xấu theo hình thức trên giấy, biện pháp kỹ thuật, rất có thể nợ xấu sẽ “chồng” nợ xấu?

Dù thị trường bất động sản đã phục hồi, nhưng vẫn tiềm ẩn rủi ro, nên việc xử lý nợ xấu gặp không ít khó khăn. Để có nhiều nguồn vốn, nhiều nhà đầu tư tham gia vào thị trường mua bán nợ xấu, một số chuyên gia kinh tế đề xuất xử lý nợ xấu thông qua phương pháp chứng khoán hóa; khuyến khích việc phát hành, mua bán trái phiếu doanh nghiệp và mua bán nợ; khuyết khích doanh nghiệp tư nhân tham gia vào quá trình mua bán, xử lý nợ xấu ngân hàng bằng cơ chế mở như: Đơn giản hóa điều kiện về thành lập doanh nghiệp, điều kiện về vốn pháp định...

Xử lý nợ xấu đòi hỏi chi phí lớn, đặc biệt là việc phải đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng, không được tạo rủi ro với người gửi tiền và tài sản của Nhà nước. Do vậy, cơ chế, chính sách về xử lý nợ xấu cũng phải đúng và trúng, nếu không, cái giá phải trả sẽ ...rất đắt!