Làm đường bê tông tại xã Tân Hương.
Làm đường bê tông tại xã Tân Hương.

Ở nơi đó, người nông dân vẫn bám ruộng, bám đồng, không quản ngại một nắng hai sương để làm ra hạt thóc, sản xuất những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao gắn với thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, nâng cao thu nhập trên 1ha canh tác. Phố sá đông vui, phồn thịnh không có nghĩa làng quê sẽ trở lên nghèo nàn, lạc hậu, mà người nông dân cũng đang đồng sức, chung lòng xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí theo quy định, để mỗi vùng đất đều không ngừng phát triển bền vững, đời sống người dân ngày càng được ấm no, hạnh phúc.

Đến với xã Nam Tiến, Đồng Tiến, Tân Hương… chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay nơi đây, người nông dân tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất cho đồng ruộng xanh tươi, mùa màng bội thu; đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch đẹp; nhà văn hóa được xây dựng khang trang; công tác giữ gìn vệ sinh môi trường có nhiều tiến bộ rõ rệt… Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các xã giảm nhanh qua các năm, điều đó đã minh chứng đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã từng bước được nâng cao.

Anh Dương Văn Hiến, Trưởng phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thị xã Phổ Yên cho biết: Sau 5 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, cấp ủy và chính quyền địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự chuyển biến tích cực trong các tầng lớp nhân dân, từ đó bộ mặt nông thôn đã thay đổi đáng kể góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thị xã, đời sống vật chất tinh thần nhân dân ngày càng được nâng lên, an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững, hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được vững mạnh. Nhiều mô hình sản xuất tập trung đem lại hiệu quả kinh tế góp phần nâng cao thu nhập cho người dân như mô hình trồng hoa cao cấp ở xã Nam Tiến, xã Trung Thành, mô hình trồng rau ở xã Đông Cao, Hồng Tiến, mô hình trồng cây ăn quả: cây Thanh Long ruột đỏ, nhãn, cam ở xã Phúc Thuận... Đã huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, cụ thể như hiến đất, đóng góp tiền của, ngày công. Các tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn đã hỗ trợ để xây dựng nông thôn mới. Các cơ chế chính sách của Nhà nước đã khuyến khích hỗ trợ phát triển như: Xây dựng đường giao thông nông thôn nhà nước hỗ trợ 60-70%, nhà văn hóa xóm hỗ trợ xây mới 100 triệu đồng với các xã điểm, hỗ trợ giá giống lúa lai, ngô lai, chè cành và vacxin tiêm phòng cho gia súc, gia cầm... Đến nay, huyện đã có một xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2014 là xã Tân Hương, phấn đấu năm 2015, có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Đồng Tiến, Hồng Tiến và xã Nam Tiến.

Tuy nhiên, cũng như các địa phương khác trên địa bàn tỉnh, Phổ Yên cũng gặp phải không ít khó khăn trong quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới, như: Công tác phát triển sản xuất ở một số xã hiệu quả còn thấp, ruộng đất còn manh mún; liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và nhà khoa học còn ít; do đó chưa hình thành được nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Công tác xây dựng hạ tầng bị hạn chế về nguồn lực đầu tư, chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn ngân sách nhà nước, mức huy động từ các nguồn khác còn thấp; sự tham gia, đóng góp của người dân còn hạn chế. Chuyển dịch cơ cấu phát triển sản xuất trong nông nghiệp còn chậm. Chưa có cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình ở xã nên việc theo dõi, đánh giá, tổng hợp tiến độ thực hiện còn chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu ảnh hưởng đến việc tổng hợp báo cáo tiến độ của cấp huyện nhất là gây khó khăn cho công tác theo dõi, tổng hợp báo cáo của cơ quan thường trực chương trình... Nhưng với những gì “mắt thấy, tai nghe“ thông qua thực tế cơ sở, những cuộc tiếp xúc, trò chuyện với các cán bộ, đảng viên và người dân nơi đây, chúng tôi tin trong tương lai gần, Phổ Yên sẽ có nhiều xã đạt nông thôn mới trước kế hoạch. Bởi ai cũng nêu cao quyết tâm và thể hiện lòng yêu quê hương, đất nước từ những việc làm nhỏ nhất, họ sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích chung của cả cộng động.

CTV Thùy Dương