Những năm qua dù gặp rất nhiều khó khăn như thiên tai, bão lụt, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn đã gặt hái được những kết quả khả quan trên lộ trình xây dựng huyện thành huyện nông thôn mới.

Thực hiện Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020, huyện Nam Đàn (Nghệ An) được Ban chỉ đạo Trung ương chọn là 1 trong 5 huyện điểm của cả nước. Đây là niềm vinh dự nhưng cũng là thách thức đòi hỏi sự quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện nhà.

xay dung nam dan thanh huyen ntm kieu mau

Trong năm 2017, về sản xuất nông nghiệp cơ bản được mùa trên cả 3 vụ, hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp cho giá trị kinh tế cao như: Bí đỏ, hoa cây cảnh tại xã Vân Diên; trồng cây nông nghiệp áp dụng công nghệ cao ở Nam Anh, lạc TK10 tại xã Khánh Sơn; lúa Thiên ưu 8 tại xã Xuân Lâm, Nam Phúc...

Ngoài ra, để phát triển nông nghiệp một cách bền vững, huyện đã chú trọng xây dựng thương hiệu một số sản phẩm như tinh bột nghệ, bột sắn dây hương vị gừng, bột sắn dây hương vị chanh... xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp với các doanh nghiệp. Kinh tế trang trại tiếp tục phát triển và khẳng định lợi thế trong kinh tế nông nghiệp nông thôn. Trong năm 2017, chính quyền và nhân dân huyện Nam Đàn quan tâm chú trọng đến việc xây dựng mới, nâng cấp nhiều công trình hạ tầng quan trọng như đường giao thông nông thôn, kênh mương, trường học, trụ sở UBND xã, trạm y tế, nhà văn hóa xã, sân vận động xã…

Triển khai các bước quy hoạch vùng xây dựng huyện Nam Đàn, quy hoạch các khu chức năng: Xã Kim Liên, Nam Giang gắn với quần thể di tích quốc gia đặc biệt Kim Liên, điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Nam Đàn mở rộng; quy hoạch cụm công nghiệp - dịch vụ Phúc Cường. Tổ chức thẩm định và điều chỉnh cục bộ quy hoạch nông thôn mới xã Khánh Sơn, Hùng Tiến, Kim Liên, Xuân Lâm, Nam Giang theo phân cấp.

Chất lượng giáo dục toàn diện được nâng cao, trong năm 2017, có thêm 8 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, đạt 100% kế hoạch.

Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, Trung tâm Y tế huyện được Bộ Y tế quyết định là bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

UBND huyện cũng đã cho phép Trung tâm Y tế huyện thành lập Quỹ hỗ trợ người nghèo chạy thận, đồng thời kêu gọi đầu tư một cơ sở chạy thận. Hệ thống các phòng khám tư nhân hoạt động có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Tổ chức thực hiện tốt phong trào "Đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn". Huy động xã hội hóa các nguồn kinh phí để cải tạo, nâng cấp công trình nghĩa trang liệt sỹ huyện và đài tưởng niệm liệt sỹ của các xã, thị trấn.

Sau hơn 6 năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, đến nay Nam Đàn có 23/23 xã đã được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện cơ bản đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới theo Quyết định số 558/QĐ-TTg ngày 05.4.2016 của Thủ tướng Chính phủ. Huyện đang quyết tâm hoàn thành các tiêu chí để lập hồ sơ trình tỉnh thẩm tra và trình ban chỉ đạo Trung ương thẩm định.

Nổi bật nhất là cơ sở hạ tầng ở nông thôn phát triển mạnh, đồng bộ, bộ mặt nông thôn khởi sắc, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, các tuyến đường giao thông nông thôn cơ bản được bê tông hóa.

Mạng lưới chợ được đầu tư xây mới, nâng cấp góp phần phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và mức độ hưởng thụ của người dân.

Hệ thống lưới điện được chỉnh trang, nâng cấp đảm bảo cung ứng điện thường xuyên và an toàn, phục vụ tốt nhu cầu về sản xuất và dân sinh của người dân. Tình hình sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, nhận thức của nông dân từng bước chuyển biến sang tư duy sản xuất hàng hóa, các chỉ tiêu về năng suất, sản lượng các loại cây trồng đều đạt và vượt kế hoạch.

Kinh tế khu vực nông thôn đã có bước chuyển dịch tích cực; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ phát triển. Ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong sản xuất có nhiều tiến bộ. Năng suất, chất lượng cây trồng tăng lên đáng kể, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với quy hoạch, nâng cao giá trị thu nhập trên 1 đơn vị diện tích.

Thu nhập bình quân của huyện năm 2017 là 36 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, năm 2016 là 4,25%, năm 2017 là 3,5%. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh, cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng cả về chuyên môn và lý luận chính trị, đáp ứng tốt yêu cầu công việc.

Trao đổi với ông Nguyễn Hồng Sơn – Phó Chủ tịch UBND huyên Nam Đàn (Nghệ An) cho biết: “Thời gian tới, huyện tiếp tục xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; gắn với quy hoạch vùng mà huyện được phê duyệt nhằm phát triển nông thôn mới trong một không gian hài hòa, bền vững”.

“Phát triển nông thôn mới được gắn với thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thúc đẩy sản xuất hàng hóa lớn; gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch; gắn phát triển nông thôn với phát triển đô thị theo quy hoạch, xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa quê hương; môi trường nông thôn được bảo vệ, an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao” ông Sơn cho biết thêm.

Mô hình trồng rau sạch thủy sinh ở xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, Nghệ An./.