xay dung moi truong van hoa gia dinh voi viec hinh thanh phat trien nhan cach cua con nguoi

1. Sau 30 năm đổi mới, cùng với những thành tựu khá rõ nét về cơ sở vật chất kỹ thuật của xã hội, về thu nhập bình quân đầu người... chúng ta đang phải đối diện với rất nhiều thách thức, đặc biệt là sự xuống cấp, sự suy thoái về môi trường tự nhiên và môi trường văn hóa. Đây là một vấn đề lớn, bức xúc, tạo ra sự quan tâm, lo lắng chung của toàn xã hội, từ những nhà lãnh đạo quản lý cho đến những người dân thường. Câu hỏi được đặt ra là nếu không có sự xuống cấp về đạo đức, về văn hóa như hiện nay thì sự tụt hậu về năng suất lao động, về thu nhập của người lao động, so với các nước láng giềng có diễn ra không? Và có phải sự xuống cấp về đạo đức, về văn hóa đang tạo nên sự bất an, thậm chí lo lắng trong toàn xã hội hay không? Khi sự thương yêu, kính trọng lẫn nhau giữa con người với con người suy yếu đi, thì sợi dây gắn kết con người với con người sẽ bị lơi lỏng, con người sẽ dễ trở thành ốc đảo, cô đơn và yếu đuối. Cha ông ta từ lâu đã dạy: “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nhưng để làm được điều đó, thì công việc đầu tiên là phải có tình thương yêu giữa con người với con người với tinh thần: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”.

Phải xuất phát từ tình hình thực tế đó để thấy rằng trong bối cảnh xã hội hiện nay, việc quan tâm xây dựng và phát triển văn hóa, con người phải trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn bộ các hoạt động xã hội, từ kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, v.v... Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” ra đời trong bối cảnh đó.

Chúng ta biết rằng, nói văn hóa là nói tới con người, vì con người sáng tạo ra văn hóa, và cũng chính văn hóa tạo ra con người. Nói cách khác, không có con người thì không có văn hóa, và không có văn hóa thì cũng không có con người. Văn hóa với con người gắn chặt với nhau một cách mật thiết như hai trang của một tờ giấy. Người ta không thể tách một trang ra khỏi tờ giấy, vì hành động đó sẽ xé rách cả tờ giấy. Đối với văn hóa và con người cũng vậy. Tách con người ra khỏi văn hóa thì sẽ hủy diệt văn hóa, tách văn hóa ra khỏi con người thì sẽ hủy diệt con người. Vai trò của môi trường văn hóa đối với việc hình thành và phát triển nhân cách con người được hình thành từ đó.

Ai đó đã từng nói và nói rất đúng rằng: một con hổ sinh ra đã là con hổ, nhưng một con người sinh ra chưa hẳn đã là một con người. Vì sao? Con hổ lúc mới sinh ra đã biết ăn thịt sống. Ăn thịt sống là dấu hiệu của các loài muông thú. Nhưng một con người sinh ra mà không được giáo dục bằng các giá trị văn hóa mà xã hội đã sáng tạo và tích lũy được thì làm sao con người có nhân tính, có tình thương, biết tự hào và xấu hổ, biết những việc nên làm và nên tránh. Nói cách khác, một con người mà không có tính người, không có lương tâm, thì có nên gọi là con người không? Chắc chắn là không. Chính vì vậy, không thể tách rời con người với môi trường văn hóa.

Vậy môi trường văn hóa là gì? Cuộc sống con người không thể tách rời khỏi môi trường, đó là chân lý ai cũng hiểu. Ngoài nhu cầu về thực phẩm để nuôi sống cơ thể, con người cần có không khí và nước để duy trì sự tồn tại và phát triển. Về phương diện đó, nhu cầu sống của con người không khác mấy so với nhu cầu tồn tại của các động vật, cố nhiên phương thức sử dụng thì có thể khác nhau. Tất cả những thứ đó ta gọi là môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái. Việc xâm hại, làm ô nhiễm môi trường tự nhiên đó có thể gây nên những tác nhân đe dọa cuộc sống vật chất của con người. Nhưng khác với con vật, ngoài môi trường tự nhiên để bảo đảm sự tồn tại vật chất, con người còn cần đến môi trường văn hóa để thực sự trở thành con người viết hoa... Đây là dấu hiệu lớn để phân biệt đời sống con người với đời sống con vật.

Nói môi trường văn hóa là nói đến một khái niệm rộng lớn, hoặc trên phạm vi toàn cầu, hoặc phạm vi quốc gia, các vùng miền, các địa phương (bao gồm làng xã, khu phố, v.v..) và cuối cùng là gia đình. Tùy độ trưởng thành của mỗi con người mà các môi trường văn hóa tác động trực tiếp tới mỗi con người. Nhưng đối với bất cứ ai, thì gia đình vẫn là môi trường văn hóa đầu tiên để mỗi con người tiếp nhận những giá trị văn hóa của dân tộc, của địa phương mình. Có thể coi gia đình là một xã hội thu nhỏ, nơi mỗi người lần đầu tiên tiếp xúc với nhiều “người khác”, học hỏi cách giao tiếp với “người khác” và đó cũng là nơi mỗi con người được học những bài học đầu tiên để biết làm người. Đây là vấn đề có ý nghĩa xã hội cực kỳ quan trọng, mà trong dòng chảy liên tục của cuộc sống, thường chúng ta ít có điều kiện dừng lại để suy nghĩ.

Có phải từ lúc mỗi chúng ta được sinh ra trên trái đất này, thì cùng với dòng sữa tươi của mẹ nuôi cơ thể ta lớn lên từng ngày, chúng ta còn được lớn lên với tiếng ru ngọt ngào của mẹ, sự âu yếm chào đón của các thành viên trong gia đình, của anh em họ hàng, làng xóm hay không. Tất cả những điều đó đều là giá trị văn hóa, cứ thấm sâu dần vào tâm hồn chúng ta, làm tươi tốt tâm hồn trẻ thơ, và đó là những ký ức sâu thẳm trong đời sống tinh thần của mỗi người. Tuổi thơ chưa có điều kiện để nhận thức ra các giá trị đó, nhưng càng trưởng thành, các giá trị đó càng trở thành giá đỡ vững chắc để chúng ta bước vào đời, và là đôi cánh để nâng bước ta đi.

Thông qua cuộc sống của xã hội thu nhỏ trong gia đình, chúng ta học được từ ông bà, cha mẹ anh chị em tình thương yêu, kính trọng lẫn nhau, sự nhường nhịn chia sẻ cho nhau, biết lo lắng cho nhau. Đó là những cơ sở đầu tiên để con người nhận ra đạo lý làm người - đặc biệt là lối sống tình nghĩa như Bác Hồ thường dạy.

Từ xa xưa, các gia đình Việt Nam thường hay nói đến gia phong (nếp nhà). Nói nếp nhà là nói đến các truyền thống tốt đẹp mà cha ông ta đã gây dựng nên. Gia phong đó nhiều khi không phụ thuộc vào sự giàu nghèo, mà tùy thuộc vào truyền thống văn hóa của gia đình, nên cha ông ta thường dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”. Sự hình thành và phổ biến của văn hóa gia đình, mà đỉnh cao là gia phong thực ra cũng không hoàn toàn là vấn đề có tính tự phát. Trái lại, đó cũng là kết quả của sự phát triển của văn hóa dân tộc kể từ khi nước ta thực sự là một quốc gia tự chủ. Theo sử sách ghi lại, các thời kỳ phong kiến thịnh trị trước đây, với sự xuất hiện những bậc vua anh minh, nhà nước đã rất chăm lo cho sự phát triển của văn hóa gia đình, vì cấu trúc bền vững của văn hóa Việt Nam là Nhà - Làng - Nước. Cuộc sống của các gia đình có ổn định thì làng mới bình yên và đất nước mới thịnh vượng. Nhờ cấu trúc đó, trong trường kỳ lịch sử của đất nước hàng ngàn năm qua, có những lúc đất nước bị xâm lăng, thậm chí là bị đô hộ, nhưng nhờ cuộc sống của các làng và các gia đình vẫn ổn định, nên đất nước đã vượt qua sự suy yếu. Hơn thế nữa, nhờ sự ổn định của các gia đình và làng mạc nên các giá trị của văn hóa dân tộc vẫn được lưu giữ, được bồi đắp và trở thành động lực cho sự trỗi dậy của đất nước. Điều đó cắt nghĩa vì sao vua Lê Thánh Tông, một vị vua anh minh thời Lê cách chúng ta hơn 500 năm đã rất quan tâm đến việc xây dựng thuần phong mỹ tục cho đất nước. Nhà vua đã soạn ra 24 điều giáo huấn để dạy cho mọi người, trong đó có những điều đến nay vẫn còn giá trị:

1. Cha mẹ dạy con phải có phép tắc, trai gái đều có nghề nghiệp, không được rượu chè cờ bạc.

2. Người gia trưởng phải tự mình giữ lễ phép để cả nhà bắt chước, nếu con em làm càn thì bắt tội gia trưởng.

3. Vợ chồng cần kiệm làm ăn, ân nghĩa trọn vẹn.

4. Các xã, thôn phải chọn một vài người già cả, đạo đức làm trưởng, những ngày thong thả đem dân ra đình, tuyên giảng những lời cáo dụ, để khiến dân bắt chước làm điều thiện, thành ra mỹ tục.

Kể từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù bận trăm công ngàn việc, Bác Hồ vẫn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa - lĩnh vực xây dựng và phát triển con người, nhất là thế hệ trẻ. Người yêu cầu phải thường xuyên kết hợp gia đình, nhà trường và xã hội, để đào tạo một thế hệ công dân mới, bắt đầu từ thiếu niên, nhi đồng. Năm 1961, nói chuyện với đồng bào và cán bộ tỉnh Bắc Giang, Bác khuyên “các cháu nhi đồng thi đua thực hiện 5 tốt, tức là đoàn kết tốt, học tập tốt, kỷ luật tốt, vệ sinh tốt, lao động tốt. Về lao động, ví dụ các cháu nên chăn trâu bò cho béo khỏe, tham gia trồng cây và bảo vệ cây cho tốt”1. Như vậy, theo Bác, xây dựng văn hóa gia đình không thể tách rời việc hình thành những công dân tốt.

Vậy xây dựng văn hóa gia đình là gì? Ngày xưa, trong chế độ cũ, các gia đình, làng xóm đều sống một cách biệt lập, theo kiểu “đèn nhà ai rạng nhà ấy”. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa gia đình chỉ bó hẹp trong phạm vi các thành viên gia đình, cũng như với những trách nhiệm nghĩa vụ trong gia đình. Bước sang thời kỳ lịch sử mới, các mối quan hệ xã hội được rộng mở, khái niệm gia đình cũng được mở rộng. Bác Hồ là người đầu tiên khẳng định vấn đề này. Trong “Bài nói tại Đại hội liên hoan phụ nữ “năm tốt”, Người nói: “Điều thứ năm trong phong trào “năm tốt” là “xây dựng gia đình”, nuôi dạy con cái tốt. Điều này cũng đúng, nhưng cần giải thích thêm. Gia đình có nghĩa cũ và nghĩa mới, nghĩa hẹp và nghĩa rộng.

“Gia” là nhà, “đình” là sân. Theo nghĩa cũ thì gia đình chỉ giới hạn hẹp hòi trong một cái nhà, cái sân. Nghĩa là chỉ lo cha mẹ, vợ con trong nhà mình ấm no yên ổn, ngoài ra ai nghèo khổ mặc ai. Như thế là ích kỷ, không tốt. Theo nghĩa mới thì gia đình rộng rãi hơn, tốt đẹp hơn. Ví dụ những người cùng lao động trong một nhà máy, trong một cơ quan đều phải đoàn kết và thương yêu nhau như anh em trong một gia đình, vì “đã là đại gia đình thì sự săn sóc dạy dỗ không chỉ nhằm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các cháu đều ngoan và khỏe”(2).

Như vậy đối với Hồ Chí Minh, vấn đề văn hóa gia đình trực tiếp liên quan đến việc giáo dục thế hệ trẻ - những thiếu niên nhi đồng, để họ trở thành những công dân tốt sau này. Để văn hóa gia đình thực sự trở nên vững chắc và phát huy kết quả to lớn thì phải hiểu gia đình không chỉ theo nghĩa hẹp, mà còn phải hiểu theo nghĩa rộng; Có nghĩa là văn hóa gia đình không chỉ thu hẹp trong từng gia đình nhỏ lẻ. Người làm ông bà, làm cha mẹ không chỉ có trách nhiệm làm cho con cháu mình khỏe và ngoan, mà còn phải cố gắng giúp đỡ cho tất cả các con cháu. Làm được như vậy, thì theo Bác, trẻ em không chỉ ngoan lúc ở nhà, mà con ngoan khi ngoài xã hội. Tình thương yêu, chăm sóc lẫn nhau mà trẻ em học được trong gia đình, sẽ được thể hiện ra ngoài xã hội. Điều này cực kỳ quan trọng trong tình hình hiện nay, khi nhu cầu giao tiếp ngoài xã hội của thế hệ trẻ ngày càng tăng.

2.Trong vài thập niên gần đây, khi chúng ta tiến sâu vào kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, thì nền văn hóa và con người cũng có nhiều biến đổi. Không thể không nói đến tính tích cực năng động, sự mở rộng tầm hiểu biết của mọi người mà nền kinh tế thị trường và toàn cầu hóa mang tới. Tuy vậy, vẫn phải thừa nhận rằng nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế, đặc biệt công nghệ thông tin viễn thông, đã tạo ra rất nhiều khó khăn và thách thức trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người. Tình hình đang diễn ra là sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống ngày càng nghiêm trọng, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Số trẻ em phạm tội gia tăng, trong đó có những tội phạm nghiêm trọng. Ngày xưa ta thường nói: trẻ em không biết nói dối, nhưng ngày nay có không ít trẻ em thường xuyên nói dối bố mẹ, thầy cô. Nạn bạo lực học đường đang báo động, liên quan trực tiếp tới sự xuống cấp về môi trường văn hóa, trong đó có môi trường văn hóa gia đình. Có hàng loạt câu hỏi có liên quan đến hiện tượng đó cần được đặt ra và cần có lời giải đáp. Có phải một bộ phận cư dân, do kinh tế khó khăn, đã không có điều kiện chăm sóc và giáo dục con cái không? Có phải một bộ phận giàu có đang ra sức nuông chiều con cái không? Có phải một bộ phận ông bà, cha mẹ đang thiếu những hiểu biết cần thiết trong việc nuôi dạy con cháu hay không? Về phương diện quản lý nhà nước, ngoài chủ trương xây dựng khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa, chúng ta đã có những chế tài cụ thể, thiết thực để xây dựng văn hóa gia đình chưa? Tất nhiên, để trả lời một cách có sức thuyết phục các câu hỏi đó, cần tiến hành các cuộc điều tra xã hội học trên phạm vi từng địa phương, từng vùng miền. Theo cảm nhận chủ quan, tôi nghĩ rằng sự xuống cấp về văn hóa gia đình hiện nay đang là hiện tượng phổ biến trên mọi vùng miền của đất nước. Và nguyên nhân đều liên quan đến những vấn đề mà các câu hỏi trên đã đặt ra.

Ai cũng biết, muốn sống thì con người cần có cái để ăn. Khi con người đói lả thì cũng khó mà nói đến sự phát triển các nhu cầu về hiểu biết, về tình thương, về tinh thần trách nhiệm. Bác Hồ từng nói “dân dĩ thực vi tiên” (dân coi có cái ăn là việc đầu tiên), vì vậy từ sau cách mạng Tháng Tám thành công, Bác Hồ phát động phong trào toàn dân tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm. Mấy chục năm qua, Đảng ta chủ trương và thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo. Nói vậy để thấy rằng ở tất cả các vùng, miền, đặc biệt ở những vùng khó khăn, cần ra sức phát triển kinh tế gia đình. Các gia đình có điều kiện no ấm, thì việc xây dựng văn hóa gia đình chắc chắn sẽ có thuận lợi. Nhưng kinh tế, xét ra chỉ là điều kiện; kinh tế không phải là mục tiêu, bởi vì con người làm ra của cải, chứ của cải không làm ra con người, do đó, Đảng ta đã xác định: con người phải là động lực, mục tiêu của sự phát triển kinh tế.

Như vậy, để tìm ra động lực cho sự phát triển kinh tế, để mọi người dân đều được ấm no, thì phải đặc biệt quan tâm đến sự phát triển con người. Bác Hồ nói: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Nói trồng người là nói đến giáo dục, rèn luyện con người, phát huy và phát triển ở con người các năng lực về hiểu biết, về tình thương và tinh thần trách nhiệm, là tạo nên sự đồng cảm, tinh thần hợp tác giữa con người với con người. Trồng người cũng có nghĩa loại bỏ khỏi con người những thói hư tật xấu, những vi rút làm hủy hoại nhân cách con người. Đây là sự nghiệp cực kỳ khó khăn, lâu dài, gian khổ. Trong một bài thơ viết lúc bị giam cầm trong nhà tù Quốc dân đảng Trung Quốc, Bác viết:

“Ngủ thì ai cũng như lương thiện

Tỉnh dậy, phân ra kẻ dữ hiền

Hiền dữ phải đâu là tính sẵn

Phần nhiều do giáo dục mà nên”.

Bác cũng thường nhắc, trong mỗi người đều có phần thiện, phần ác; gặp môi trường thuận lợi, tốt đẹp, thì cái thiện phát triển; gặp môi trường xấu, thì cái ác sẽ nổi lên. Môi trường mà Bác nói ở đây là môi trường văn hóa. Đối với thế hệ trẻ, đặc biệt là trẻ em, thì môi trường văn hóa gần gũi nhất và thiết thân nhất là môi trường văn hóa gia đình.

Nói môi trường văn hóa gia đình là nói đến nơi lưu giữ, phổ biến, truyền đạt những giá trị văn hóa mà dân tộc và nhân loại đã sáng tạo ra. Những người làm nhiệm vụ lưu giữ và truyền đạt các giá trị văn hóa đó là những thành viên trong gia đình. Những người được tiếp nhận các giá trị văn hóa đó chính là các con cháu trong gia đình, thông qua sự truyền dạy trực tiếp của ông bà, cha mẹ. Hình thức truyền dạy các giá trị văn hóa trong gia đình cũng rất đa dạng, phong phú. Thông thường là tiếng ru của người mẹ đưa con vào giấc ngủ thần tiên, và chỉ thông qua tiếng ru, trẻ mới dễ đi vào giấc ngủ. Điều kỳ diệu là đằng sau những âm thanh trầm lắng lại ẩn chứa một bài học làm người. Có thể khi còn bé, đứa con chưa hiểu nội dung của tiếng ru, nhưng rồi càng lớn lên, với việc tích lũy những kinh nghiệm sống trên đường đời, âm thanh tiếng ru, ý nghĩa lời ru càng in đậm trong tâm trí mỗi người. Trong nhiều trường hợp, tiếng ru của người mẹ từ xa xưa lại hiện về và chắp cánh cho ta vững bước trên cuộc đời này. Năm 1929, khi về hoạt động ở Thái Lan, nghe tiếng ru con của người mẹ Việt Kiều, Bác Hồ xúc động thốt lên:

“Xa nhà đã mấy mươi niên

Đêm qua nghe tiếng mẹ hiền ru con”.

Ngoài tiếng ru của người mẹ, tuổi ấu thơ của mỗi người còn được nuôi dưỡng bởi những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, cả những câu chuyện về lịch sử, những bài dân ca, cùng những lời chỉ bảo ban truyền dạy về cách ứng xử đối với mọi người... Cứ thế, cùng với năm tháng, tâm hồn, trí tuệ của mỗi người cũng được vun xới, đơm hoa và kết quả.

Bên cạnh việc tiếp nhận những giá trị văn hóa do ông bà, cha mẹ truyền dạy, tuổi thơ của mỗi người còn được giáo dục bởi những cảm nhận trực tiếp từ những cử chỉ, hành vi và cách ứng xử của người lớn trong gia đình. Đây là điều mà người lớn thường ít khi quan tâm; nhưng khi dân ta đúc kết “cha nào con nấy”, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, thì điều đó không chỉ nói đến các gien di truyền nòi giống, mà còn nhắc nhở mỗi người, đặc biệt người lớn trong gia đình phải có ý thức gương mẫu trước mặt con cái. Cách cư xử hòa thuận, biết kính trên nhường dưới, biết tôn trọng nhau, quan tâm lẫn nhau... sẽ tạo nên tấm gương sáng cho con cái noi theo. Tính hung hãn, thích bạo lực, thiếu trung thực, ích kỷ, v.v.. thường nảy sinh trong số thanh thiếu niên mà tuổi thơ không được may mắn sống trong một môi trường văn hóa lành mạnh. Môi trường văn hóa không lành mạnh nói ở đây bao hàm nhiều nghĩa, kể cả việc nuông chiều con cháu quá đáng.

Trong hoạt động văn hóa nói chung và trong xây dựng môi trường văn hóa gia đình nói riêng, việc thống nhất giữa lời nói và việc làm là cực kỳ quan trọng. Lời nói chỉ mới tác động đến nhận thức, nhưng chỉ với các hành vi, các việc làm mới thực sự tác động đến trái tim. Để giáo dục trẻ nhỏ trong gia đình sống có văn hóa, có nhân cách, bố mẹ không chỉ phải làm gương, mà còn phải quan tâm thường xuyên đến các hành vi, đến các quan hệ xã hội của con cái. Đây là điều rất khó, nhưng lại cực kỳ quan trọng để giáo dục thế hệ trẻ. Những hành vi sai trái của trẻ em nếu không được uốn nắn phê phán kịp thời, thì dễ trở thành thói quen vì khi đã thành thói quen thì rất khó thay đổi. Người ta thường nói: “Gieo hành vi thì gặt thói quen. Gieo thói quen thì gặt tính cách”. Như vậy, nói môi trường văn hóa gia đình là nói tới một bộ phận trong môi trường văn hóa của xã hội. Nó là bộ phận, là thành tố của môi trường văn hóa chung, vì vậy những giá trị văn hóa được lưu giữ, được phổ biến ở đây cũng phải mang ý nghĩa phổ quát của xã hội, nghĩa là phải hướng tới chân, thiện, mỹ.

Trong tình hình hiện nay, việc xây dựng môi trường văn hóa gia đình cần gắn với nội dung tính chất của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các gia đình, đặc biệt ở nông thôn, ở vùng xa, thường có điều kiện lưu giữ các giá trị của lịch sử, ví dụ các lễ hội, các phong tục tập quán, cách trang phục, v.v.. Đó là điều kiện rất tốt để bảo vệ bản sắc dân tộc, nhưng cũng phải thấy rằng trong các truyền thống đó, có cái đã lỗi thời, không thích hợp với sự tiến bộ văn minh của thời đại. Ví dụ, có những tập tục quá rườm rà, gây tốn kém về tiền của, về thời gian... thì cần lược bỏ đi, đặc biệt trong các đám hiếu, hỉ. Có những tục lệ mang nặng tính chất mê tín dị đoan, những thói quen mất vệ sinh như nuôi trâu, bò, lợn gà dưới nhà sàn, v.v.. thì cần phải dứt bỏ. Việc sử dụng các phương tiện thông tin truyền thông cũng tạo điều kiện để góp phần giáo dục tình cảm, tâm hồn và sự hiểu biết cho thế hệ con cháu trong gia đình. Đây là thuận lợi to lớn mà vài chục năm về trước không thể nào có được. Tuy vậy, việc ngăn ngừa mặt tiêu cực của thông tin truyền thông cũng đang là vấn đề bức xúc mà cả xã hội đã lên tiếng. Không ít trẻ em đang bị cuốn hút vào những trò chơi bạo lực, những quan hệ xã hội ảo trên mạng. Nhiều thông tin xấu lan truyền trên mạng cũng sẵn sàng đầu độc đầu óc trẻ thơ. Ngoài ra, sự suy thoái về đạo đức, lối sống trong một bộ phận xã hội, trong đó có cả cán bộ, đảng viên, cũng làm suy giảm niềm tin của một bộ phận thanh thiếu niên vào tương lai, mà khi đánh mất niềm tin, thì con người sẽ dễ rơi vào sự khủng hoảng về tinh thần.

Sự nghiệp “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” mà Nghị quyết Trung ương 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI nêu ra, đang đặt nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa, trọng tâm là xây dựng văn hóa gia đình, vào vị trí cực kỳ quan trọng chính là vì lẽ đó./.