xa yen trach phu luong tang cuong quan ly sung tu che
Lực lượng công an kiểm tra súng bắn cồn của hộ gia đình ông Triệu Văn Đề

Hộ gia đình ông Triệu Văn Đề ở thôn Na Hiên, là hộ khó khăn của xã Yên Trạch, do ruộng ít, chủ yếu đất đồi rừng nên cuộc sống gia đình chủ yếu trông vào trồng rừng và đi làm thuê. Theo tập tục từ xưa của gia đình ông để lại thì lên rừng trồng cây hay thu hoạch củi, gỗ đều mang theo súng săn để bắn thêm con chim, con sóc cải thiện bữa ăn gia đình. Theo ông Đề, những năm trước ở xã Yên Trạch bà con chủ yếu sống bằng nghề rừng lên việc mang súng tự chế lên rừng là việc bình thường. Trong quá trình săn bắn tuy chưa có việc bắn nhầm vào người nhưng cũng rất nguy hiểm. Trước đây, hầu hết bà con dùng súng kíp do cha ông để lại, hiện nay phần nhiều những khẩu súng này đã hỏng hóc, do vậy phát sinh ra súng bắn cồn hoặc súng kíp tự chế mới. Khi được chính quyền và công an xã tuyên truyền vận động về sự nguy hiểm cũng như tác hại của việc sử dụng súng tự chế, đặc biệt là nếu tàng trữ không giao nộp súng này thì có thể bị xử lí trước pháp luật, gia đình ông đã tự nguyện nộp khẩu súng mà ông thường dùng khi lên rừng săn bắn. Ông Triệu Văn Đề chia sẻ: "Chúng tôi chỉ thỉnh thoảng sử dụng khẩu súng khi lên rừng băn bắn, cũng đã lâu không sử dụng; khi nhận thấy sự nguy hiểm chúng tôi đã tự nguyện giao nộp".

xa yen trach phu luong tang cuong quan ly sung tu che
Anh Nguyễn Đình Lập là hộ gia đình thứ 2 mà lực lượng công an xã đến tuyên truyền vận động, tự nguyện giao nộp súng tự chế

Anh Nguyễn Đình Lập là hộ gia đình thứ 2 mà lực lượng công an xã đến tuyên truyền vận động, tự nguyện giao nộp súng tự chế. Anh Lập đã không ngần ngại giao khẩu súng kíp từ thời cha ông để lại hiện vẫn còn sử dụng tốt. Khi được chính quyền và công an xã tuyên truyền về những tác hại và những nguy hiểm của vũ khí này, anh đã tự nguyện giao nộp khẩu súng kíp.

xa yen trach phu luong tang cuong quan ly sung tu che
Người dân tự nguyện đến giao nộp súng tự chế

Ông Hoàng Văn Anh, ở thôn Na Hiên cũng tự nguyện giao nộp khẩu súng kíp từ thời cha ông để lại. Theo ông thì khẩu súng chỉ là vật trang trí từ xưa, có đôi lần ông mang lên rừng bắn sóc, nhưng do không quen sử dụng nó bị hỏng và đã gây nguy hiểm cho chính ông. Vấn đề của ông Hoàng Văn Anh cũng đang là vấn đề mà chính quyền cũng như lực lượng công an xã Yên Trạch lo ngại - đó là hầu hết người dân có súng tự chế đều không có kĩ năng sử dụng hoặc các kĩ năng đó học theo kiểu “cha truyền con nối”. Khi mang súng ra sử dụng có thể gây nguy hiểm cho chính bản thân và những người xung quanh. Ngoài ra, chưa kể có những bức xúc nảy sinh trong cộng đồng và những tranh chấp giữa các hộ dân và cá nhân với nhau. Việc tuyên truyền, vận động người dân tự nguyện giao nộp súng tự chế cũng như vật liệu nổ và các phương tiện hỗ trợ gây sát thương là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và các cấp, ngành chức năng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với Yên Trạch, từ khi có lực lượng công an chính quy về xã công tác này được đẩy mạnh.

Trao đổi về vấn đề này, ông Ma Văn Tý, Chủ tịch UBND xã Yên Trạch thông tin: "Hàng năm, lực lượng công an đã tham mưu tốt cho chính quyền địa phương thành lập ban chỉ đạo, tổ chức biên tập các văn bản tuyên truyền. Về vũ khí, vật liệu nổ, chúng tôi xác định đây là những phương tiện gây sát thương lớn, nguy hại đến tính mạng, sức khỏe nhân dân. Đến nay, công tác vận động nhân dân đã có những kết quả nhất định, nhân dân tự giác giao nộp súng tự chế". Đối với xã Yên Trạch, huyện Phú Lương sau khi vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, lực lượng công an xã sẽ là nòng cốt trong việc xử lí nghiêm tình trạng tàng trữ súng tự chế, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trong dân.

Hiện nay, hiểm họa từ sử dụng súng tự chế đang là vấn đề nóng không chỉ ở các xã, địa phương miền núi các tỉnh vùng cao mà lan ra cả các thành phố, các đô thị. Các loại vũ khi này khi sử dụng có nguy cơ gây sát thương cao, thậm chí gây chết người. Điều đó cảnh báo sự nguy hiểm của loại vũ khí này nếu để tồn tại trong xã hội và cũng đòi hỏi công tác quản lí của các cơ quan chức năng cần được tăng cường, chặt chẽ hơn nữa./.