Theo báo cáo tổng kết Ngân hàng Thế giới (WB) được công bố vào ngày 21/9, mức rác thải toàn cầu đang tịnh tiến đến ngưỡng 3,4 tỉ tấn vào năm 2050, tăng mạnh so với con số khoảng 2 tỉ tấn vào năm 2016. Đáng chú ý, mức tăng rác thải nhiều nhất tập trung tại châu Á và châu Phi cận Sahara và phần lớn nguồn gốc rác thải là từ thành thị.

wb den nam 2050 luong rac thai toan cau se tang them 70

WB cho biết, chất thải rắn nếu không được thu lượm và xử lý đúng quy cách sẽ góp phần gây ra lũ lụt, ô nhiễm môi trường và những vấn đề về sức khoẻ cộng đồng như các triệu chứng của bệnh về hô hấp, tiêu chảy và sốt xuất huyết.

Do vậy, theo WB, tăng cường công tác quản lý chất thải rắn, đặc biệt tại các nước nghèo là “nhiệm vụ ưu tiên khẩn cấp”. Trên 90% rác thải ở các nước có thu nhập thấp được xả bừa bãi và không được xử lý vì những nước này thiếu các phương tiện tiêu huỷ và xử lý rác thải đúng quy chuẩn.

Silpa Kaza, chuyên gia về phát triển đô thị và là trưởng nhóm nghiên cứu của WB, nhận định: “Chúng ta thực sự cần chú ý đến hai khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara vì đến năm 2050 rác thải ở khu vực Nam Á sẽ tăng gấp đôi và ở châu Phi cận Sahara sẽ tăng gấp ba. Nếu chúng ta không hành động, điều này sẽ để lại hệ luỵ lớn đến sức khoẻ, năng suất, môi trường và đời sống của con người”.

Song những nước có thu nhập cao cũng cần nhìn nhận vấn đề này một cách nghiêm túc bởi các nước này sản xuất 1/3 lượng rác thải toàn cầu cho dù chỉ chiếm 16% dân số thế giới. Đơn cử, Trung Quốc đang đứng trước một vấn nạn ngày càng tăng. Năm 2004, cường quốc châu Á này đã vượt Mỹ để trở thành nước sản xuất lượng rác thải lớn nhất trên thế giới. Đến năm 2030, lượng chất thải rắn đô thị (MSW) ở Trung Quốc có thể tăng gấp đôi Mỹ”.

Nguồn ô nhiễm từ đô thị

Báo cáo của WB chỉ ra rằng chất thải rắn đang là “một vấn nạn đô thị”, trong khi nguồn rác thải sản sinh ở các vùng nông thôn có chiều hướng giảm đáng kể. Đặc biệt, người dân nông thôn do nghèo hơn nên có chiều hướng mua ít các mặt hàng đóng gói ở cửa hàng và có xu hướng đạt mức tái sử dụng và tái chế cao hơn.

Sự bùng nổ dân số đô thị trong các thập kỷ qua diễn ra mạnh mẽ với trên 50% dân số thế giới hiện nay sinh sống ở các thành phố. Đến năm 2050, theo ước tính của WB, số người sống ở thành phố sẽ bằng dân số toàn thế giới năm 2000.

Một thập kỷ trước, thế giới có 2,9 tỉ dân sống ở thành thị và lượng dân số này sản xuất khoảng 0,64 kg MSW tính trên đầu người mỗi ngày. Lượng rác thải tính trên đầu người tại đô thị hiện nay, theo ước tính mới của WB, là 1,2 kg/ ngày. WB cảnh báo, dân số thành thị có chiều hướng tăng lên 4,3 tỉ người và điều đó có nghĩa là lượng MSW tính trên đầu người sẽ tăng lên khoảng 1,42 kg/ ngày.

Ở hầu hết các thành phố, cách nhanh nhất để giảm lượng rác thải là giảm hoạt động kinh tế song WB cũng thừa nhận rằng giải pháp này chưa chắc sẽ đem lại kết quả mong đợi.

Song tăng cường công tác tái chế và hạn chế sử dụng đồ nhựa cùng với đồ ăn thửa về lâu dài có thể sẽ góp phần giảm ảnh hưởng của tình trạng mức tăng phế thải.

WB cho biết, đồ nhựa, tác nhân có thể gây nhiễm nguồn nước và hệ sinh thái hàng ngàn năm, chiếm 12% tổng lượng rác thải toàn cầu hiện nay.

Các tác giả báo cáo của WB kỳ vọng rằng các kết quả nghiên cứu của mình có thể giúp các cấp chính quyền trung ương và địa phương trên toàn thế giới tìm ra các giải pháp thông qua sự tham gia của khu vực tư nhân và công để quản lý tốt hơn các hệ thống rác thải của mình./.