Hơn bốn năm qua, Hảng A Thào đã lặn lội qua nhiều con suối, cánh rừng đến với các bản làng ở huyện Trạm Tấu (Yên Bái) để kể những câu chuyện cảm động về Bác Hồ cho đồng bào người Mông.

Những câu chuyện ấy không chỉ dừng lại ở tình cảm với Bác mà Hảng A Thào còn mong muốn giúp bà con từ bỏ các tập tục lạc hậu…

Dịch chuyện về Bác sang tiếng Mông

Sinh ra và lớn lên ở thôn Háng Tây, xã Pá Lau, một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Trạm Tấu, ngay từ khi còn nhỏ Hảng A Thào đã tận mắt chứng kiến cảnh đồng bào người Mông ăn không đủ no, mùa đông mặc không đủ ấm. Từ đó, chàng trai sinh năm 1980 này cứ đau đáu một ước muốn tìm cách giúp bà con thoát khỏi đói nghèo.

Năm 2005, sau khi tốt nghiệp khoa nông lâm - ĐH Thái Nguyên, Hảng A Thào tình nguyện về địa phương với công việc chính phụ trách mảng trồng trọt, chăn nuôi tại phòng nông nghiệp huyện. Ngay từ ấy, khi rảnh là anh lại tìm đọc, sưu tầm những câu chuyện, tấm hình về Bác rồi tỉ mẩn dịch sang tiếng Mông để có thể vận dụng hiệu quả khi hướng dẫn bà con tăng gia sản xuất. Thào tâm sự: “Mình thường tìm những mẩu chuyện nhỏ của Bác về làm tăng vụ, xóa bỏ nương rẫy ở vùng cao; chuyện tiết kiệm trong hội họp, ma chay, cưới hỏi; chống tảo hôn, xóa giặc đói, diệt giặc dốt… Đây đều là những câu chuyện ngắn, gần gũi, dễ nghe, dễ nhớ nên bà con rất thích”.

Tại cuộc thi kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của tỉnh Yên Bái vừa được tổ chức, Hảng A Thào đã kể “Bài nói chuyện của Bác Hồ với các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái” bằng song ngữ tiếng Kinh và tiếng Mông. Ban tổ chức đã trao giải đặc cách cho Hảng A Thào qua câu chuyện xúc động này.

Để kho tư liệu thêm phong phú, Thào thường tìm đến những người già trong các bản làng ngồi trò chuyện và thường xuyên đọc sách, báo hằng ngày. Nhiều hôm không mua được báo anh lại nhờ người ngoài thành phố mua giúp hoặc phóng xe đến các điểm bưu điện xã trong huyện tìm kiếm. Mỗi khi bắt gặp thông tin liên quan đến Bác, Thào lại cắt và đóng lại thành những quyển, tập cẩn thận. Bên cạnh mỗi bài báo là các bản dịch bằng tiếng Mông do Thào chuyển tải.

“Hợp với cái bụng người Mông lắm!”

Thời gian đầu, trước khi vượt núi vào các bản làng kể chuyện về Bác, Hảng A Thào thường tìm đến già làng thôn Háng Tây, nơi anh sinh sống để xin ý kiến. Già làng Giàng A Lử bảo: “Người Mông thích đơn giản, gần gũi và dễ hiểu. Kể chuyện về Bác cũng vậy, càng đơn giản càng dễ nhớ... Kể như mày là hợp với cái bụng người Mông lắm!”.

Theo Hảng A Thào, nếu chỉ kể chuyện suông bà con nghe xong lại quên ngay. Vì thế mỗi lần đến với các bản làng Thào đều chuẩn bị những tấm ảnh để minh họa cho câu chuyện, rồi mang theo các loại giống cây trồng, dụng cụ sản xuất để cùng bà con lên nương, ra đồng canh tác. Thào tâm sự: “Người Mông rất chăm chỉ nhưng trong sản xuất ít áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất không cao. Bởi thế mỗi lần vào bản mình phải ba cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm), bà con mới tin, mới chịu làm theo”. Ngoài ra, hằng năm Thào cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho bà con tại địa điểm các xã, các bản làng trong huyện.

Một lần khi thực hiện chương trình vận động bà con làm vụ đông sau tết trên cánh đồng Tàng Ghênh của Xà Hồ và Bản Mù, Thào đã thu thập nhiều câu chuyện về Bác Hồ khuyên người nông dân làm tăng vụ để thuyết phục bà con hưởng ứng. “Vì tập quán của người Mông quen làm một vụ nên lúc đầu ít người làm theo. Thế là anh em cán bộ trong phòng nông nghiệp cùng với lực lượng dân quân phải xắn quần, xuống đồng cày bừa, làm mạ, ủ phân, gieo cấy. Thấy cán bộ làm, bà con cũng xuống ruộng hưởng ứng”, Hảng A Thào hào hứng nhớ lại.

Trong kho chuyện về Bác của mình, Thào đặc biệt rất thích “Bài nói chuyện của Bác Hồ với các đồng bào dân tộc tỉnh Yên Bái”. Thào bảo câu chuyện ấy giúp bà con các dân tộc hiểu hơn về tình đoàn kết trong đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất. “Đồng bào dân tộc nhiều người phải giúp đỡ đồng bào dân tộc ít người. Đồng bào dân tộc ít người không phải chỉ ngồi chờ giúp. Một bên ra sức giúp, một bên ra sức làm thì nhất định việc gì cũng làm được”.

  • Theo Tuổi trẻ