Ông Bríu Pố được gọi là "Vua Ba kích" ở đất Quảng Nam
Đến xã Lăng, huyện vùng cao biên giới Tây Giang tỉnh Quảng Nam, hỏi tên ông Bhríu Pố ai cũng biết. Bhríu Pố là người đầu tiên nhân giống và trồng thành công cây ba kích dùng làm dược liệu.

Với hơn 6.000 bụi ba kích bắt đầu cho khai thác, gia đình ông đang nắm trong tay hơn 2 tỷ đồng, chưa kể thu nhập từ chăn nuôi bò, cá nước ngọt và các loại cây trồng khác. Bríu Pố vinh dự là một trong 5 cá nhân tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam vừa được tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi toàn quốc.

Những năm gần đây, cây Ba kích mọc tự nhiên trong rừng ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam bị khai thác cạn kiệt. Ba kích- theo cách gọi của người dân địa phương là “dây ruột gà” vì bộ rễ của nó giống như ruột gà. Công dụng của ba kích chủ yếu là bộ rễ, thường gọi là củ. Đây là loại dược liệu quí hiếm nhiều công dụng. Dân địa phương ở Tây Giang thường dùng ba kích ngâm rượu thưởng thức kiểu “ông uống bà khen”...

Với giá thành đắt đỏ như hiện nay, hơn chục bụi ba kích có thể mua được cả một con bò. Người Cơ Tu ở Tây Giang gọi ba kích là cây của Giàng, chẳng ai tin là có thể trồng được. Ai mà liều mạng trồng ba Kích, Giàng sẽ phạt tội chết. Bởi vậy, khi Bhríu Pố mày mò trồng ba kích, bà con ai cũng nghĩ là ông bị điên!

Củ Ba kích

Chuyện trồng ba kích của Bhríu Pố xuất phát từ chuyến ông cùng Tiến sĩ Ngô Trại, Viện Giống cây trồng quốc gia đi khảo sát cây dược liệu ở khắp núi rừng xã Lăng của huyện Tây Giang. Qua hướng dẫn của Tiến sĩ Ngô Trại, Bhríu Pố mày mò và ươm trồng thành công giống ba kích. Hơn 3 năm qua, ông cùng với vợ cần mẫn chăm chút trang trại rộng gần 3 ha dưới chân núi A Dương để trồng hơn 6.000 cây ba kích.

Hiện nay, vườn ba kích của ông Bhríu Pố phát triển tốt, bắt đầu cho thu hoạch. Ba kích có giá bán là 250.000 đồng/kg củ tươi, trên 600.000 đồng/kg củ khô nhưng không đủ để cung cấp cho thị trường. Ngoài cây ba kích, Bhríu Pố còn làm trang trại tổng hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi bò, nhím, cải tạo khe suối làm ao nuôi cá rộng gần 1 mẫu. Ông dự định mở rộng trang trại trên diện tích khảng 7 ha dưới chân núi A Dương. Ông Bhríu Pố cho biết: “Với 6.000 cây ba kích này, bước đầu tôi đã thu 400 triệu đồng/năm. Chưa nói đến thu nhập từ bò, từ cá, từ cau xuất khẩu và các loại cây ăn quả...”

Hoa quả Ba kích

Trồng ba kích đã khó, ông còn thành công trong việc nhân giống. Ngoài việc ươm từ hạt, cây ba kích còn được Bhríu Pố giâm bằng nhánh kiểu như trồng dây khoai lang, tỷ lệ sống khoảng 70%. Thấy người từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh lặn lội đến tận nhà ông lùng mua ba kích, từ chỗ cho rằng ông Bhríu Pố bị “điên”, dân làng bắt đầu có nhiều người cũng muốn “điên” như ông. Bhríu Pố sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật trồng và bán ba kích giống cho bà con. Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Lăng cho hay: “Hiện nay trên địa bàn xã, ông Bhríu Pố trồng nhiều cây ba kích nhất. Các hộ khác cũng bắt đầu trồng đại trà. Ông Bhríu Pố có kinh nghiệm trồng. Nếu mà nhân dân ở đây siêng thì cũng làm được, học hỏi kinh nghiệm ông Bhríu Pố hướng dẫn”.

Theo ông Bh’ríu Liếc, Chủ tịch UBND huyện Tây Giang: Việc ông Bhríu Pố tự mày mò nghiên cứu trồng thành công cây ba kích là một kỳ tích. Huyện đang “đặt hàng” để ông nhân rộng giống ba kích hỗ trợ đồng bào mở rộng diện tích. Đây sẽ là cây xóa đói giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn huyện.

Ông Bh’ríu Liếc nói: “Hiện nay, có chủ trương Nghị quyết 30A của Chính phủ về đầu tư cho các huyện nghèo nhất nước. Chúng tôi coi đây là điều quan trọng để đánh mạnh, đầu tư đẩy lùi đói nghèo ở huyện Tây Giang. Trước mắt là nhân rộng những điển hình tiên tiến. Chúng tôi đang có một cơ chế khuyến khích trồng cây ba kích, cây đẳng sâm và cây tà đin, mỗi ha huyện hỗ trợ bà con 5 triệu đồng. Từ khuyến khích vật chất như vậy, đồng thời xem cách làm ăn của một nông dân sản xuất giỏi, đảng viên Bhríu Pố như vậy, hiện nay nhân dân rất thích trồng. Riêng năm nay, chúng tôi đầu tư cho mỗi thôn 160 triệu đồng để trồng ba kích, cũng chính tại xã Lăng!”.

Ông Bhríu Pố cũng tiết lộ, gia đình ông chuẩn bị trồng thêm 3.000 cây ba kích nữa. Ngày càng nhiều người trong huyện đến học hỏi ông trồng ba kích để có thêm thu nhập vừa bảo tồn được giống dược liệu quý hiếm này. Ông Bhríu Pố được mọi người yêu mến đặt cho biệt danh: “ Vua Ba Kích” dưới chân núi Ba Dương./.

Theo VOV