Sáng nay (20/10), Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tiếp tục ngày thứ 2 phiên xử phúc thẩm vụ án “buôn lậu”, “làm giả con dấu tài liệu của cơ quan, tổ chức” đối với nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng cùng 8 đồng phạm.

Trong sáng nay, các luật sư hỏi các bị cáo liên quan đến hoạt động nhập khẩu thuốc của VN Pharma liên quan đến hai công ty Austin (Hong Kong) và Helix (Canada).

vu vn pharma cuc quan ly duoc tac trach tao co hoi cho toi pham

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma.

Về công ty Helix, chủ toạ cho biết qua xác minh cho thấy, công ty không tồn tại trên thực tế, bị cáo Võ Mạnh Cường nói rằng sau này mới biết không có công ty này tại Canada. Trước đây tin tưởng Helix là do Cục quản lý Dược cấp giấy phép hoạt động cho công ty đó. Cường cũng cung cấp chứng cứ chứng tỏ sự ủy quyền của công ty này cho mọi hoạt động giao dịch.

Hội đồng xét xử đã hỏi đại diện Bộ Y tế nhưng Bộ Y tế không có mặt nên không thể xét hỏi các vấn đề liên quan đến việc thẩm định và cấp phép của Cục quản lý Dược.

Về công ty Austin, theo bị cáo Phạm Anh Kiệt - Tổng Giám đốc công ty Dược Sapharco, công ty cũ của bị cáo là Công ty Dược Trung ương 2 có quan hệ với VN Pharma, trong quá trình làm ăn do tin tưởng nhau nên VN Pharma giao con dấu để thực hiện hợp đồng với Công ty Austin. Nhưng Kiệt khẳng định không biết mục đích của việc đóng dấu vào giấy tờ của VN Pharma.

Cũng trong sáng 20/10, Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân cấp cao trình bày quan điểm kháng nghị vụ án. Theo đó, Viện đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ kháng nghị, tuyên huỷ toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân TPHCM. Vì theo quan điểm của Viện này, án sơ thẩm có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.

Đáng chú ý là bản kháng nghị đã đánh giá về vai trò và trách nhiệm của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế. Theo quan điểm của Viện kiểm sát, Cục Quản lý Dược là đơn vị cấp phép lại tham gia giám định lô hàng do mình cấp phép là chưa đảm bảo tính khách quan.

Có 10 chuyên gia giám định, nhưng trong biên bản chỉ có 7 chuyên gia ký tên, 3 chuyên gia còn lại không ký cũng không có đánh giá đạt hay không đạt. Hồ sơ đăng ký lô thuốc giả nhưng Cục Quản lý Dược không phát hiện ra, Cục trưởng vẫn ký cho nhập khẩu lô thuốc là có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng.

Chính việc làm tắc trách của Cục Quản lý Dược đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, cần điều tra làm rõ hành vi thiếu trách nhiệm của Tổ thẩm định và lãnh đạo Cục quản lý Dược, xử lý theo pháp luật.

Ngoài lô thuốc trong vụ án, Nguyễn Minh Hùng và các đồng phạm còn thực hiện các hành vi tương tự đối với 7 hồ sơ của 7 loại thuốc khác lấy tên Công ty Helix (Canada) và được Cục Quản lý Dược cấp giấy phép nhập khẩu, cấp số đăng ký lưu hành và cần được điều tra làm rõ hành vi phạm tội cũng như trách nhiệm liên quan để xử lý chung trong cùng một vụ án, đảm bảo tính khách quan toàn diện nhằm đánh giá chung đúng quy mô, tính chất của vụ án.

Sau kháng nghị, các luật sư cũng đã nêu ra nhiều luận điểm và đề nghị xem xét lại bản kháng nghị. Trong chiều 20/10, phần tranh luận tại tòa sẽ được tiếp tục./.