Vụ việc xe taxi bị nổ ở trung tâm TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) vào trưa 3/10 khiến cả khách và tài xế taxi tử vong, theo thông tin ban đầu từ công an tỉnh Quảng Ninh, tài xế taxi là Đặng Văn Trung (SN 1987, trú tại tổ 83, phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả), tài xế của Công ty Cổ phần và phát triển Hoàng Minh (trụ sở thuộc tổ 34, phường Cẩm Thạch, thành phố Cẩm Phả); vị khách đi xe được xác định là Lê Thành (SN 1966, trú tại Tổ 7, khu Hoàng Thạch, phường Cẩm Thạch, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh).

vu no xe taxi o cam pha gia dinh tai xe co duoc den bu

Hiện trường vụ nổ xe taxi (Ảnh: Hoàng Trình)

Quá trình khám nghiệm tử thi các nạn nhân tại hiện trường cũng như chỗ ở của ông Thành, Công an tỉnh Quảng Ninh phát hiện 8 đoạn dây 1 lõi bọc nhựa loại dây kíp mìn gồm 4 đoạn màu vàng, 4 đoạn màu đỏ được xác định cùng loại với 2 đoạn dây thu trong tay của ông Thành. Công an cũng phát hiện 1 lá thư gửi người tên Dung, nội dung thể hiện đây là lời nói cuối cùng của nạn nhân, do chán nản vì nợ nần, bệnh tật, nếu sống chỉ làm khổ cho người khác.

Việc ôm mìn tự sát của ông Thành đã khiến người tài xế taxi tử vong. Gia đình ông Thành phải có trách nhiệm thế nào với gia đình tài xế taxi?

Lý giải tình huống pháp lý này, Luật sư Vũ Thị Thanh (Công ty luật TNHH INTERCODE, Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định trong vụ việc này, do ông Thành đã chết nên cơ quan chức năng sẽ không khởi tố vụ án, bởi theo quy định tại khoản 7 Điều 107 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003, “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết…” là một trong những căn cứ để không khởi tố vụ án hình sự

Về vấn đề bồi thường thiệt hại cho gia đình tài xế taxi, luật sư Vũ Thị Thanh cho rằng, trước hết, các bên có thể tự thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường và phương thức bồi thường, nếu thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội.

Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được, nếu phía bị hại có đầy đủ chứng cứ, tài liệu chứng minh thì có thể khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự 2005 và Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Theo đó, gia đình ông Thành phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho tài xế Đặng Văn Trung căn cứ theo quy định tại Điều 604, Điều 605, Điều 610... Chương XXI, Bộ luật Dân sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao.

Cụ thể các khoản tiền phải bồi thường gồm: Chi phí hợp lý cho việc cứu chữa, bồi dưỡng, chăm sóc người bị thiệt hại trước khi chết; Chi phí hợp lý cho việc mai táng; Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng; Bồi thường tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì mức tối đa không quá 60 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định.

Làm rõ thêm về tình huống này, luật sư Tạ Quốc Long (Công ty luật Đức Bảo) cho rằng, việc yêu cầu đòi bồi thường của gia đình tài xế taxi sẽ gặp nhiều khó khăn bởi thực tế người gây ra thiệt hại cũng đã chết.

Trường hợp nếu khởi kiện vụ án dân sự để giải quyết yêu cầu bồi thường cần phải có kết luận của cơ quan có thẩm quyền khẳng định thiệt hại là do người chết gây ra.

Khi đó, áp dụng Điều 637 Bộ luật Dân sự về thực hiện nghĩa vụ do người chết để lại, những người thừa kế có trách nhiệm dùng tài sản là di sản do người chết để lại để thực hiện việc bồi thường khi có yêu cầu. Nếu người chết không có tài sản riêng để lại thì những người thuộc diện thừa kế không có nghĩa vụ bồi thường./.