Tờ Market Watch (Mỹ) mới đây trích dẫn báo cáo của công ty nghiên cứu thị trường New World Wealth (NWW) cho biết, Việt Nam là quốc gia đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng của cải trong suốt 10 năm qua.

Theo báo cáo này, tốc độ tăng trưởng của cải của Việt Nam trong giai đoạn 2007-2017 là 210%. NWW nhận định Việt Nam sẽ tiếp tục đạt tốc độ tăng trưởng 200% trong giai đoạn 10 năm tới.

Hầu hết sự tăng trưởng mạnh mẽ này xuất phát từ việc gia tăng nhanh chóng những cá nhân sở hữu khối tài sản ròng siêu cao. Họ được định nghĩa là những người có tài sản có thể đầu tư đạt ít nhất 30 triệu USD, bao gồm tài sản cá nhân và những tài sản khác như nhà ở hay những bộ sưu tập có giá trị…

viet nam la quoc gia tang truong cua cai nhanh nhat the gioi
Việt Nam đứng đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng của cải trong giai đoạn 2007-2017. (Ảnh: Market Watch)

Còn báo cáo Wealth Report của Công ty Knight Frank (Anh) cho biết, Việt Nam có ít nhất 200 cá nhân sở hữu khối tài sản ròng siêu cao, tăng 320% trong giai đoạn 2000-2016.

Không những thế, Việt Nam còn nhanh chóng trở thành điểm thu hút người nước ngoài. Vào năm 2018, TP Đà Nẵng lần đầu tiên lọt tốp 10 nơi đáng sống nhất cho người nước ngoài do trang Live and Invest Overseas bình chọn.

Giới phân tích cho rằng chi phí nhân công rẻ nhưng lực lượng lao động lại có tay nghề cao là "chìa khóa" giúp Việt Nam đứng đầu trong chuỗi cung ứng ở khu vực Đông Nam Á, khiến vốn đầu tư nước ngoài trực tiếp tăng đáng kể.

Cũng theo NWW, Trung Quốc là quốc gia đứng thứ hai thế giới về tốc độ tăng trưởng của cải trong 10 năm qua. Số người sở hữu khối tài sản ròng siêu cao ở Trung Quốc đã tăng 281% trong giai đoạn 2000-2016.

viet nam la quoc gia tang truong cua cai nhanh nhat the gioi
Báo cáo Wealth Report của Công ty Knight Frank (Anh)

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đạt được tốc độ tăng trưởng của cải trong giai đoạn 2007-2017. Điển hình, Venezuela là quốc gia có tốc độ giảm sút của cải mạnh mẽ nhất với 48%.

Nhiều quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Italy và Tây Ban Nha cũng nằm trong danh sách này do chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008./.