Nghiên cứu của CBRE cho thấy, tại khu vực ASEAN, trong thời gian tới, việc phát triển cơ sở hạ tầng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các quốc gia. Trong đó, có lợi ích về thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư công, đồng thời về du lịch và bán lẻ, nhà ở cư dân, thị trường văn phòng... cũng hưởng lợi.

viet nam dang dan dau dong nam a ve chi tieu cho phat trien ha tang
Các dự án trọng điểm tại các quốc gia và kết nối hạ tầng giữa các quốc gia với nhau đang tạo ra nhiều cơ hội cho phát triển (Ảnh minh họa: KT)

Chẳng hạn, với đầu tư tư nhân, theo CBRE, sự phát triển cơ sở hạ tầng giúp tăng cơ hội phát triển. Đặc biệt là lợi thế tiên phong cho các nước nằm trong hoặc gần khu vực có dự án có tuyến giao thông đi qua.

Còn với đầu tư công thì lợi thế thu hút FDI cho quốc gia và dòng vốn đầu tư công có thể mang hiệu ứng cấp số nhân cho nền kinh tế.

Bên cạnh đó, tác động lan tỏa của phát triển cơ sở hạ tầng đến ngành công nghiệp là giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển. Việc mở rộng các cảng sẽ giúp tăng tiềm lực xuất nhập khẩu.

Về thị trường bất động sản và nhà ở thì CBRE cho rằng, cư dân sẽ có nhiều hơn lựa chọn về nhà ở với giá cả phù hợp hơn; các cư dân cũng thuận lợi hơn khi các khu dân cư có sự kết nối với các khu trung tâm, văn phòng và các cụm thương mại.

Trong viễn cảnh chung đó, theo đánh giá của các chuyên gia của CBRE tại Việt Nan, quá trình đô thị hóa quy mô lớn cùng với triển vọng kinh tế tích cực tạo áp lực phát triển hệ thống hạ tầng mức độ cao tại Việt Nam.

Cụ thể: Tốc độ gia tăng dân cư thành thị (tính theo % tổng số dân cư thành thị) ở Việt Nam đã tăng từ 27% vào năm 2005 lên 34% vào năm 2015 trong khi con số này ở Thái Lan là 50%. Hiện tại, Việt Nam đang dẫn đầu Đông Nam Á về chi tiêu cho việc phát triển cơ sở hạ tầng, chiếm 5,7% GDP. Tuy nhiên, đầu tư cơ sở hạ tầng ở ASEAN vẫn thiếu sự tham gia của nguồn vốn tư nhân, điều này đang là một thách thức trong khu vực. Theo ADB, hơn 90% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng của châu Á đến từ khu vực công.

CBRE cho rằng, hai tuyến tàu điện ngầm tại TP.HCM và Hà Nội là những dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm nhằm thúc đẩy sự phát triển của các khu kinh tế vệ tinh. Ngoài ra còn có các dự án quan trọng khác đang triển khai như đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cầu Bạch Đằng, sân bay quốc tế Vân Đồn, Quốc lộ 4B,...và các dự án trong giai đoạn lập kế hoạch như Hành lang kinh tế Phía Đông, tuyến đường cao tốc nối TP.HCM và Phnom Penh, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp ô tô, điện tử, du lịch, nông nghiệp, xây dựng và vận tải.

Đặt Việt Nam trong bối cảnh khu vực giúp đánh giá rõ những tác động tiềm tàng của việc thay đổi động lực phát triển kinh tế trong khu vực. Trong các lĩnh vực bất động sản, lĩnh vực logistics sẽ được hưởng lợi nhiều từ việc tăng cường giao thương kết nối trong nội bộ lãnh thổ mỗi quốc gia và giữa các quốc gia với nhau nhờ các khoản đầu tư lớn vào phát triển cơ sở hạ tầng trong ngắn hạn và trung hạn.

Trong dài hạn, sự phân tán trong các khu đô thị cũng như sự mở rộng ra ngoài trung tâm tại các đô thị và các tỉnh thành phụ cận sẽ tạo nhiều cơ hội cho các chủ đầu tư, chủ sở hữu và cư dân./.