Tình trạng vỉa hè, lòng đường trở thành nơi kinh doanh buôn bán xảy ở hầu khắp các địa bàn quận, huyện.

Hàng quán bày kín vỉa hè, ô tô xe máy đỗ dưới lòng đường là tình trạng đang xảy ra tại các tuyến phố, con đường trung tâm như phố Đại Từ, Nguyễn Xiển (quận Hoàng Mai), Phố Vọng (giáp ranh địa bàn hai quận Thanh Xuân-Hai Bà Trưng), đường La Thành, Chùa Láng, đường Láng (quận Đống Đa)…

via he ha noi bi tai lan chiem nhu chua he co cuoc ra quan

Hoa quả được bày bán trên lòng đường Vũ Tống Phan (giáp ranh địa bàn hai quận Hoàng Mai-Thanh Xuân.

Tại đường Giải Phóng, khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai thời gian qua luôn là điểm “nóng” về ùn tắc giao thông, nhất là vào giờ cao điểm (đầu buổi sáng, cuối buổi chiều).

Nguyên nhân của tình trạng ùn ứ cục bộ trên con đường có chiều rộng gần 40m này là hàng chục chiếc taxi ngang nhiên dừng đón, trả khách dưới lòng đường Giải Phóng.

Ông Trần Văn Huynh, trú tại phường Giáp Bát, quận Hoàng Mai-người thường xuyên tham gia giao thông trên đường Giải Phóng cho biết: "Tình trạng xe taxi bắt khách, trả khách dọc đường rồi dừng đỗ liên tục nên chỗ này luôn bị tắc đường. Chúng tôi tham gia giao thông rất bức xúc, mà hình như không thấy lực lượng chức năng đâu. Hà Nội đã rất nhiều lần tổ chức các đợt ra quân chấn chỉnh văn minh đô thị, nhưng tôi thấy như “bắt cóc bỏ đĩa”, chỉ làm được vài hôm sau đâu lại vào đấy, làm theo phong trào, mà hoạt động này không thể làm theo phong trào được mà phải làm liên tục".

Tương tự, tại phố Vọng (giáp ranh giữa địa bàn phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng và phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân) tình trạng vỉa hè bị lấn chiếm; lòng đường thành nơi đỗ xe diễn ra hầu khắp tuyến phố.

Ngang nhiên hơn là tại ngã ba Nguyễn An Ninh-phố Vọng (nơi có cửa hàng kinh doanh ăn uống), vào các buổi sáng, nhiều xe ô tô đỗ choán hết lối sang đường dành cho người đi bộ. Chính vì việc ô tô đỗ tràn ra đường mà tại ngã ba Vọng-Nguyễn An Ninh thường xuyên xảy ra ách tắc, gây khó khăn cho người tham gia giao thông.

Trung tá Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng Công an phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng cho biết: "Khách đi ăn phở có thể người ta đỗ xe dọc đường, nhưng tuyến phố lại không thuộc tuyến phố cấm, nên cũng rất khó trong việc xử lý. Chúng tôi yêu cầu nhắc nhở các hộ kinh doanh đó sắp xếp phương tiện, không gây cản trở giao thông. Các khu vực ngã 3, ngã 4 nếu các phương tiện ô tô đỗ, chúng tôi phát hiện thì sẽ xử lý".

Trong khi đó, tại nhiều tuyến phố thuộc quận Ba Bình, Đống Đa như Đê La Thành, La Thành, đường Láng, Chùa Láng… các cơ sở đồ gỗ, sắt thép, hàng ăn cũng thường xuyên tràn ra vỉa hè để kinh doanh, buôn bán.

Bà Lê Thị Toan, trú tại phường Giảng Võ, quận Ba Đình cho biết, thực trạng vỉa hè đường Đê La Thành bị lấn chiếm là vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Người dân trên địa bàn cũng đã phản ánh với chính quyền địa phương, phản ánh với đại biểu hội đồng qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhưng tình hình vẫn chưa được giải quyết.

via he ha noi bi tai lan chiem nhu chua he co cuoc ra quan
Xe ô tô đỗ tại ngã ba Vọng-Nguyễn An Ninh.

Trao đổi với phóng viên VOV, ông Hà Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý đô thị quận Đống Đa cho rằng, mật độ dân số cao của quận, một số tuyến phố lưu lượng người và phương tiện lưu thông cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tái lấn chiếm, phát sinh vi phạm vỉa hè, lòng đường.

Đối với những khu vực vẫn còn tình trạng tái vi phạm, quận cũng đã giao các đơn vị chức năng như Ban chỉ đạo 197 của quận, Ban chỉ đạo 197 của phường tiếp tục thực hiện ký cam kết đối với các trường hợp tái vi phạm. Cùng với đó là tăng cường kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính để đảm bảo sự nghiêm túc trong thực hiện.

Thực trạng vỉa hè, lòng đường Hà Nội tại nhiều tuyến phố bị tái lấn chiếm, thậm chí phát sinh vi phạm mới là điều hoàn toàn đoán định được. Bởi, ngay trong những ngày đầu ra quân từ trung tuần tháng 3/2017, dư luận đã hoài nghi về sự quyết liệt, khả năng duy trì của ngành chức năng Hà Nội trong việc lập lại trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị trên địa bàn thành phố…/.