Để phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, ngành Giáo dục sẽ đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ đạt tỉ lệ 35% (khoảng 9.000 tiến sĩ) tổng số giảng viên các cơ sở giáo dục đại học.

Trong đó, sẽ đào tạo khoảng 5.000 tiến sĩ ở nước ngoài tại các trường đại học có uy tín trên thế giới.

Đó là một trong những mục tiêu của Dự thảo Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030”.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án dự kiến là 12.000 tỷ đồng, bao gồm 10.200 tỷ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 được phê duyệt theo Quyết định số 911/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủvà 1.800 tỷ đồng từ các cơ sở giáo dục đại học và đối tượng thụ hưởng Đề án.

vi sao phai danh 12000 ty dong dao tao 9000 giang vien dat tien si
Dự kiến dành 12.000 tỷ đồng đào tạo 9.000 giảng viên đạt trình độ tiến sĩ (ảnh minh họa)

Mục tiêu của dự thảo là đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và các trường cao đẳng sư phạm có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn 2030, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và phát triển khoa học, công nghệ cho đất nước.

Theo dự thảo Đề án, từ 2017 đến 2025, mỗi năm tuyển chọn khoảng từ 600 - 700 nghiên cứu sinh đi đào tạo ở nước ngoài.

Đào tạo khoảng 500 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết đào tạo giữa các trường đại học Việt Nam và trường đại học nước ngoài.

Từ năm 2017 đến năm 2025 mỗi năm tuyển chọn khoảng 60-70 người. Ngoài ra, sẽ đào tạo khoảng 2.000 tiến sĩ tại các trường đại học đã được kiểm định ở Việt Nam. Ngoài ra, ngành Giáo dục còn dự kiến t

hu hút khoảng 1.500 tiến sĩ đang công tác ở nước ngoài hoặc đang làm việc ngoài các cơ sở giáo dục đại học đến làm việc tại các trường đại học tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, 100% cán bộ quản lý là chủ tịch hội đồng trường, hiệu trưởng/viện trưởng, hiệu phó/phó viện trưởng được bồi dưỡng về quản trị trường đại học.

Đối với giảng viên, 100% giảng viên được bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp, về năng lực phát triển chương trình đào tạo, năng lực giảng dạy theo phương pháp hiện đại, năng lực nghiên cứu khoa học, năng lực ngoại ngữ và công nghệ thông tin .

Đối tượng được đào tạo thuộc đề án này là giảng viên và cán bộ quản lý thuộc các cơ sở giáo dục đại học trên toàn quốc.

Giảng viên và cán bộ quản lý thuộc các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên (bao gồm các trường đại học sư phạm và các trường cao đẳng sư phạm) trên toàn quốc.

Những người đã có trình độ tiến sĩ đang công tác tại nước ngoài hoặc các đơn vị khác có nguyện vọng công tác tại các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam. Nghiên cứu viên và các cá nhân đã có trình độ thạc sĩ và tương đương có nguyện vọng đào tạo thành tiến sĩ để trở thành giảng viên các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.

Đề án sẽ thực hiện công bằng, tạo sự bình đẳng giữa các cơ sở giáo dục đại học công lập và các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.

Để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, bền vững, Đề án được xây dựng theo quan điểm tích hợp các đề án, chương trình liên quan đã và đang triển khai, đảm bảo tính thiết thực, cạnh tranh và nguyên tắc chia sẻ chi phí giữa cơ sở giáo dục đại học, đối tượng thụ hưởng Đề án và Nhà nước.

Giảng viên là tiến sĩ ở Việt Nam vẫn thấp hơn so với nhiều nước

Theo Thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, cả nước có hơn 24.000 tiến sĩ nhưng chỉ có trên 16.500 người là giảng viên ở các trường đại học.

Năm học 2016-2017, tổng số giảng viên trong các trường đại học là 72.792 người, tăng 4,6% so với năm học 2015-2016. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 16.514 (tăng thêm 21,4%) và thạc sĩ là 43.065 (tăng thêm 6,6%).

vi sao phai danh 12000 ty dong dao tao 9000 giang vien dat tien si

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)

Trong năm 2016, Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước cũng đã công nhận 65 giáo sư, 638 phó giáo sư. Trong đó, số giảng viên đang trực tiếp làm việc tại các trường là 48 giáo sư (chiếm 73.85%); 508 phó giáo sư (chiếm 79.62%). Số lượng giảng viên trong các trường cao đẳng sư phạm hiện này là 3.388 người. Trong đó, giảng viên có trình độ tiến sĩ là 115 người; Thạc sĩ là 2.187 người.

Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các chính sách về chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý còn chưa đồng bộ, hiệu lực chưa cao.

Việc tuyển dụng giảng viên có trình độ chuyên môn giỏi ở trong và ngoài nước giảng dạy tại các cơ sở đào tạo còn nhiều khó khăn do chính sách thu hút chưa đủ mạnh. Cơ chế quản lý và sử dụng cán bộ chưa tạo động lực cho cán bộ giỏi về làm việc.

Năm học 2016, số lượng giảng viên có tăng so với năm học 2015 nhưng tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư và trình độ tiến sĩ trong toàn hệ thống vẫn ở mức thấp, đặc biệt là tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của các trường cao đẳng sư phạm còn quá thấp (chiếm gần 3,4%).

Đề cập việc số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, hiện nay, cả nước có 37 viện nghiên cứu được giao đào tạo tiến sĩ, với quy mô khoảng 1.500 nghiên cứu sinh. Trung bình, quy mô của mỗi viện khoảng 40 nghiên cứu sinh và đang có xu hướng giảm.

Trong lĩnh vực giáo dục đại học thì số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ ở nước ta hiện là 16.541, mới chỉ đạt 22,68% tổng số giảng viên, vẫn thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực. Số giảng viên có trình độ Thạc sĩ là 43.065, chiếm 59,16%.

Công tác bồi dưỡng xây dựng, quy hoạch và phát triển đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý năm qua chưa được quan tâm đồng đều trong toàn hệ thống.

Chất lượng đội ngũ giảng viên vẫn còn là dấu hỏi lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không có đề tài nghiên cứu, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế...

Số lượng giảng viên cơ hữu của các trường ngoài công lập vẫn còn thiếu (15.158 người chiếm khoảng 20% tổng số giảng viên trong toàn quốc) và đã ở độ tuổi cao, chưa đủ mạnh để nâng cao và tạo niềm tin về chất lượng đào tạo của bộ phận này trong hệ thống.

Nhiều cơ sở đào tạo chưa chú trọng đến kế hoạch xây dựng và phát triển nguồn giảng viên trẻ kế cận cũng như việc bồi dưỡng tạo nguồn giảng viên gửi đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài. Trong quá trình triển khai đề án đào tạo giảng viên bằng ngân sách nhà nước (Đề án 911), nhiều ứng viên từ các cơ sở đào tạo không đáp ứng được những quy định về ngoại ngữ và các điều kiện cần thiết khác trong khi nhu cầu đào tạo lớn.

Năng lực quản lý và quản trị nhà trường của một bộ phận cán bộ quản lý còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục trong bối cảnh chuyển đổi sang mô hình quản lý chất lượng dựa trên chuẩn, tiêu chuẩn và tự chủ đại học./.