Theo quy định của Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM thịt heo vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn phải đeo vòng nhận diện. Tuy nhiên, qua hơn nửa tháng thực hiện quy định này, tỷ lệ heo đeo vòng nhận diện vào chợ đạt tỷ lệ thấp, chỉ hơn 35%. Vì sao người chăn nuôi chưa mặn mà với việc đeo vòng nhận diện cho heo?

vi sao nguoi chan nuoi chua man ma deo vong nhan dien cho heo
Nhân viên chợ Bình Điền đang thực hiện quét mã vạch trên thịt heo mảnh (Ảnh báo Sài Gòn Giải phóng).

Anh Nguyễn Văn Quốc, chủ trại heo ở xã An Thái, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương vừa xuất chuồng hơn 100 con heo thịt. Anh không đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc cho heo. Anh cho biết, anh mua đứt, bán đoạn cho thương lái vì heo của anh đã làm các quy trình thuốc thú y, thức ăn gia súc đều khai báo và có sự kiểm tra, kiểm soát của cán bộ thú y địa phương. Mỗi lần anh xuất chuồng đều có cán bộ thú y xuống kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch và niêm phong xe. Giá heo đang thấp, khó bán, anh làm nhiều thủ tục thú y, bây giờ đeo vòng nhận diện thì tốn thêm thời gian và chi phí nên anh rất ngại.

Anh Nguyễn Văn Quốc nói: “Thương lái nói với chủ trại heo là heo về Sài Gòn phải đeo vòng. Nhưng ở dưới này, không ai tập huấn cho nên cũng để từ từ tình hình như thế nào thôi”.

Còn tại Đồng Nai, nơi mỗi ngày cung cấp hơn 1/3 lượng heo cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh với hơn 3 ngàn con thì người chăn nuôi cũng gặp một số khó khăn. Đó là nhiều hộ chăn nuôi chưa được tập huấn việc đeo vòng nhận diện cho heo nên ngại phức tạp, khó làm. Bên cạnh đó, việc mua vòng nhận diện cho heo cũng không thuận tiện vì người chăn nuôi phải mua vòng với số lượng nhiều, khoảng 1 ngàn vòng trở lên thì Sở Công thương TP HCM mới gửi vòng về cho trại heo. Còn nếu mua chỉ 100 vòng trở xuống thì người chăn nuôi phải lên thành phố mua...

Chị Hoàng Thị Kiều Oanh, chủ trại chăn nuôi ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai cho biết: “Tôi hỏi Sở Công thương họ nói sẽ gửi 1 ngàn cái vòng, đeo cho 500 con. Tôi hỏi bà con lấy chung với tôi có được không họ nói được, nhưng lỡ những trại kia nuôi heo bẩn thì tôi phải chịu trách nhiệm”.

Trước khó khăn này, ngành chức năng của Đồng Nai cũng đề nghị Hiệp hội Chăn nuôi của Đồng Nai đứng ra làm đầu mối mua vòng nhận diên cho heo. Bên cạnh đó, Đồng Nai sẽ phối hợp với Sở Công thương TP HCM tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về cách cập nhập thông tin vào vòng nhận diện heo.

Ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai cho biết: “Sắp tới Sở Công thương sẽ tổ chức 2 lớp. Còn sở nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng có văn bản giao cho chi cục thú y yêu cầu cấp huyện đăng ký danh sách để phối hợp với Sở Công thương TP HCM tổ chức các lớp tập huấn”.

Một khó khăn nữa là trong quá trình vận chuyển heo từ các tỉnh về TP HCM qua các khâu, các trạm kiểm dịch thú y, lò giết mổ, có nơi không tiếp tục kích hoạt vòng, cập nhập thông tin nên tỷ lệ heo đeo vòng truy xuất được thông tin tiếp tục giảm. Tỷ lệ heo từ các trại đeo vòng nhận diện có thông tin là 85%, nhưng về tới 2 chợ đầu mối ở TP còn rất thấp. Hiện nay, thành phố chưa có giải pháp gì khác ngoài việc tuyên truyền, vận đồng người chăn nuôi, thương lái, lò giết mổ thực hiện nghiêm túc việc đeo vòng nhận diện cho heo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công thương TP HCM nói: “Sở sẽ báo cáo ủy ban và sẽ có những những giải pháp mạnh mẽ hơn. Bởi vì chỉ có biện pháp nhắc nhở, lập biên bản chưa thật sự tác động chủ thể lo ngại và thực hiện theo yêu cầu của đề án”.

Việc đeo vòng nhận diện cho heo hiện mới quản lý phần ngọn, nhưng đây cũng là bước đi cần thiết cho những bước tiếp theo trong chuỗi truy xuất, kiểm soát nguồn gốc chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thịt heo. Để thực hiện tốt mục tiêu của đề án này cơ quan chức năng cần tăng cường công tác tuyên tuyền, vận động người chăn nuôi thay đổi thói quen trong chăn nuôi. Đồng thời, Sở Công thương TP HCM và cơ quan chức năng của các tỉnh cung cấp heo cho thành phố tăng cường tập huấn và tạo điều kiện cho người chăn nuôi thực hiện quy định này./.