Thật ra, những hội thảo như “Hội thảo vì tương lai bóng đá Việt” mới đây là cần thiết, theo dạng tập hợp chất xám của những người có tâm huyết với bóng đá.

Chỉ có điều, những ý kiến được đưa ra trong hội thảo đấy không phải ý kiến nào cũng theo hướng cấp tiến, phù hợp với chuyển động chung của bóng đá thế giới. Chưa kể một số ý kiến khá vụn vặt, xoáy quá nhiều vào những vấn đề tiểu tiết, về con người, thay vì nói về hệ thống, nên chưa thể tạo ra những giải pháp tốt cho bóng đá nội.

Riêng chuyện bảo bóng đá Việt Nam, cụ thể là cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam – tức VFF, có nên thay đổi hay không ở nhiệm kỳ tới? – Câu trả lời là cần có thay đổi.

vff can nguoi co tam va co chien luoc
VFF cần một nhân vật có tầm, để tập hợp các nguồn lực xã hội, giúp bóng đá Việt Nam phát triển (ảnh: Gia Hưng)

Không phủ nhận những mặt làm được của VFF cho bóng đá nội mấy năm qua. Nhưng những việc đó, khách quan mà nói không giúp nâng tầm bóng đá Việt Nam, cũng khống giúp hệ thống giải quốc nội của chúng ta ổn định, từ đó tạo chân đế vững chắc để phát triển nền bóng đá, phát triển chất lượng các đội tuyển quốc gia.

Đấy là lý do giải thích tại sao các đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam dù gây ấn tượng ở các sân chơi trẻ, nhưng đội tuyển quốc gia vốn là bộ mặt của cả nền bóng đá thì lại thất bại ở nhiều kỳ AFF Cup liên tiếp, từ năm 2010 đến nay.

Ngược lại, quy chế bóng đá chuyên nghiệp của bóng đá Việt Nam còn nhiều bất cập, dẫn đến hệ thống thi đấu các giải quốc nội của chúng ta khá kém.

Bóng đá Việt Nam gần như là nền bóng đá duy nhất trên thế giới có hiện tượng mà 3 hạng đấu cao nhất thường được ví như cô “siêu mẫu: Phần trên phình, phần giữa teo tóp, phần dưới lại phình (V-League có 14 đội, hạng Nhất có 7 đội, hạng Nhì có 14 đội).

vff can nguoi co tam va co chien luoc
Bóng đá Việt Nam là nền bóng đá duy nhất có 3 hạng đấu cao nhất như ngoại hình của cô "siêu mẫu": V-League phình (14 đội), hạng Nhất teo tóp (7 đội), hạng Nhì phình trở lại (14 đội) - ảnh: Anh Hải

Đấy là thực tế ngược hoàn toàn với các nền bóng đá tiến bộ trên khắp thế giới, bởi họ phát triển hệ thống thi đấu theo hình kim tự tháp: Chân đế mở rộng, nhưng càng lên càng cao nhỏ lại, ít đội lại. Vì nguyên lý cơ bản là gốc vững thì ngọn mới tốt!

Chính cách điều hành chạy theo số lượng hơn chất lượng khiến bóng đá Việt Nam có hiện tượng không giống ai đấy, rồi khiến cho các đội tuyển quốc gia thiếu ổn định, các cầu thủ trẻ khi trưởng thành không có môi trường tốt để phát triển đúng với tiềm năng.

Thành ra, bóng đá nội cần thêm những nhân vật có tầm nhìn chiến lược, thay vì chỉ là những người giải quyết sự vụ trong bộ máy điều hành như hiện nay, để có chiến lược đúng đắn, khoa học, để phát triển hệ thống các giải quốc nội tốt hơn, để giải V-League hấp dẫn hơn, giàu tính cạnh tranh hơn.

Bóng đá Việt Nam, cơ quan điều hành bóng đá Việt Nam là VFF còn cần một người thật sự có tầm, để nắn chỉnh các ban chức năng của chính VFF – các ban hành pháp cho VFF và cho bóng đá nội, như Ban trọng tài và Ban kỷ luật đi đúng hướng. Cần một nhân vật đủ tầm để đưa các ban này vào khuôn khổ, thay vì thoả hiệp với cái sai, cái bất cập của chính họ.

Với những gì đang diễn ra ở các nền bóng đá lân cận chúng ta, nhân vật cầm chịch VFF sắp tới hoặc là một người có địa vị xã hội, hoặc là doanh nhân cực kỳ thành đạt (Ví dụ chủ tịch Liên đoàn bóng đá Thái Lan là một cựu tư lệnh cảnh sát Hoàng Gia, còn chủ tịch Liên đoàn bóng đá Myanmar là một tỷ phú).

Chỉ có những nhân vật cỡ đấy mới đủ khả năng tập hợp các nguồn lực xã hội, giúp cho bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn.

Bóng đá Việt Nam cần thay đổi, mà thay đổi quan trọng nhất trong thời gian sắp tới có lẽ là cần thêm nhân vật đủ tầm để gánh vác bộ máy VFF, cũng như cần những người làm chiến lược, từ đó giúp bóng đá nội phát triển một cách xuyên suốt!

Trọng Vũ