Con đường chính từ Trạm y tế xã Cư Pui đến nơi cư ngụ của 6 thôn người đồng bào dân tộc Mông dài khoảng 10 km, trong đó có gần 7km là đường đất. Mùa nắng thì bụi, mưa thì lầy lội, trơn trượt.

Đường sá đi lại khó khăn nên người dân ngại ra Trạm y tế khám chữa bệnh. Cũng vì vậy mà cán bộ trạm vất vả hơn khi thường xuyên phải xuống cơ sở để tiêm chủng và vận động bà con đến cơ sở y tế chăm só sức khỏe.

van noi lo sinh con tai nha o vung dong bao dan toc
(Ảnh minh họa: Báo quốc tế)

Gần một năm nay, khi con đường từ xã Cư Đrăm vào các thôn người Mông hoàn thành, các cán bộ Trạm Y tế đã chọn con đường vòng này để đi, tuy xa hơn lối đi chính 5 km nhưng dễ đi hơn vì đường đã được trải nhựa toàn bộ.

Gia đình chị Dương Thị Su (38 tuổi) ở thôn Cư Rang vừa chào đón đứa con thứ 7 cách đây gần 1 tháng. Cũng như nhiều gia đình người Mông khác, gia đình chị Su muốn sinh đông con để có nguồn lao động. Nhưng điều đặc biệt là cả 7 lần sinh, chị Su đều được chồng mình, anh Dương Văn Chúng đỡ đẻ. Chỉ nói được dăm ba câu tiếng phổ thông, người đàn ông 37 tuổi này chưa từng được tập huấn hay có ai chỉ dạy cho cách đỡ đẻ.

Anh Dương Văn Chúng cho biết mỗi lần vợ trở dạ, anh chỉ làm theo phong tục mà trước đây ông bà, cha mẹ mình từng làm. Lần đầu thì hơi sợ nhưng những lần sau thì quen.

Cách nhà anh Chúng và chị Su không xa là gia đình của em Vương Thị Má (19 tuổi) vừa sinh đứa con thứ hai. Mới chỉ học hết lớp 4, lấy chồng khi mới 16 tuổi, Má không hề có kiến thức về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và cả hai lần sinh nở, em đều được mẹ chồng đỡ đẻ tại nhà.

Vương Thị Má chia sẻ: “Em nghe người ta nói sinh con tại bệnh viện tốn tiền, nhà em không có tiền nên em sinh ở nhà”.

Thôn Cư Rang có 157 hộ, gần 1.200 nhân khẩu, hơn 80% là hộ nghèo, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số di cư từ miền núi phía Bắc vào, trong đó chủ yếu là người Mông.

Theo anh Thào Văn Đại, cộng tác viên y tế thông Cư Rang, ở thôn này, trung bình cứ 3 người phụ nữ sinh con thì có một trường hợp đẻ tại nhà, mà hầu hết là do những người thân trong gia đình đỡ, như mẹ đẻ, mẹ chồng, chồng.

Điều này đã trở thành phong tục tập quán của họ, việc sinh nở không nên có sự tham gia của người ngoài, kể cả cán bộ y tế, thế nên mặc dù trong thôn có cô đỡ thôn bản đã được đào tạo về đỡ đẻ nhưng không mấy khi họ được các gia đình ở đây nhờ cậy.

Anh Thào Văn Đại cũng cho biết tuy sinh con tại nhà nhưng may mắn là nhiều năm nay chưa có trường hợp nào gặp tai biến hay uốn ván ở trẻ sơ sinh nên người dân càng chủ quan, không lường trước những nguy hiểm có thể xảy ra đối với cả mẹ và con.

Anh Thào Văn Đại nói: “Hàng tháng tôi thường đi tuyên truyền cho bà con rằng, đẻ tại nhà nếu có tai biến, tôi không xử lí được nên phải đẻ tại cơ sở y tế. Nhưng dân ở đây kinh tế khó khăn, họ bảo không có tiền, tôi cũng không biết làm thế nào. Tại thôn này, trung bình 3 ca sinh con sẽ có 1 ca đẻ tại nhà. Người dân vẫn biết như vậy là không tốt nhưng chỉ biết lắc đầu, vì không có tiền”.

Cư Pui là xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn của huyện Krông Bông. Tỉ lệ hộ nghèo chiếm 52%, với 93% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số. Toàn xã có 13 thôn buôn, trong đó có 6 thôn người Mông.

Năm 2017, toàn xã có 86/257 trường hợp sinh con tại nhà, chiếm tỉ lệ 33,4%. 6 tháng đầu tháng năm 2018, tỉ lệ sinh con tại nhà tiếp tục tăng, chiếm 37,4%, tương đương 46/123 trường hợp.

Chị Châu Thị Kim Hòa, Chuyên trách Chăm sóc sức khỏe sinh sản – Dinh dưỡng, Trạm y tế xã Cư Pui cho biết nhiều năm nay, trung bình mỗi tháng cán bộ của Trạm phải đến đây từ 15-20 ngày để tuyên truyền người dân cách chăm sóc, bảo vệ sức khỏe, những mối nguy hiểm khi sinh con tại nhà và vận động các gia đình đưa phụ nữ ra trạm y tế khám thai, sinh con. Tuy nhiên, tình trạng này chậm được cải thiện.

Chị Châu Thị Kim Hòa nói: “Tập quán của người Mông là thích sinh con tại nhà. Bên cạnh đó, do điều kiện kinh tế khó khăn, không có phương tiện di chuyển, phần nữa là vì đường xá xa xôi, giao thông đi lại khó khăn, đặc biệt là mùa mưa, trong khi phải đi tới hơn 10 km mới tới trạm y tế nên đa phần họ chọn sinh con tại nhà”.

Chị Châu Thị Kim Hòa cũng cho biết, trong thời gian tới, cán bộ của trạm y tế tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân nơi đây, đặc biệt là các đối tượng mẹ chồng, mẹ đẻ và người chồng.

Thường xuyên thăm hộ gia đình, nhắc nhở người phụ nữ nhận biết sớm các dấu hiệu chuyển dạ để đến trạm y tế kịp thời. Đồng thời, Trạm y tế cũng tận dụng nguồn kinh phí từ một số dự án liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hỗ trợ kinh phí đi lại, ăn uống cho những trường hợp sinh con tại trạm để giảm bớt gánh nặng kinh tế cho người dân, khuyến khích họ lựa chọn cơ sở y tế để sinh con, hạn chế tình trạng sinh tại nhà./.