Chiều 6-5, với sự điều hành của Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tiếp tục Phiên họp thứ 14 để thẩm tra về dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi). Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch Quốc hội, dự và phát biểu chỉ đạo tại phiên họp.

uy ban quoc phong va an ninh cua quoc hoi tham tra ve du an luat dan quan tu ve sua doi
Thượng tướng Phan Văn Giang trình bày tại phiên họp.

Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, trình bày Báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đối với dự án Luật Dân quân tự vệ.

Một trong những nội dung giải trình được quan tâm là đánh giá việc bố trí sĩ quan quân đội đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay trong thời bình để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, đồng thời tương ứng về chế độ, chính sách với công an xã đang xây dựng chính quy.

Theo báo cáo giải trình, trong quá trình dự thảo luật, Bộ Quốc phòng trình Chính phủ 2 phương án. Một là quy định trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan QĐND Việt Nam đảm nhiệm. Hai là quy định Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan QĐND Việt Nam tại ngũ đảm nhiệm ngay từ thời bình.

uy ban quoc phong va an ninh cua quoc hoi tham tra ve du an luat dan quan tu ve sua doi
Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ phát biểu tại phiên họp.

Chính phủ lựa chọn phương án 1 để thể chế hóa về cơ chế lãnh đạo, chỉ huy lực lượng vũ trang ở cấp xã đã được xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị, cụ thể hóa Khoản 3, Điều 16, Luật Quốc phòng năm 2018 và tương thích với Luật Công an nhân dân năm 2018 quy định về Công an xã.

Quy định như dự thảo luật không làm tăng biên chế, vì hiện nay, hầu hết Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã đã qua đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở và đã là sĩ quan dự bị. Do vậy, trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh thì đủ điều kiện gọi sĩ quan dự bị là Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã phục vụ tại ngũ theo thẩm quyền và chỉ thực hiện ở địa phương được cấp có thẩm quyền quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp về quốc phòng.

Nếu quy định sĩ quan QĐND Việt Nam tại ngũ đảm nhiệm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã ngay từ thời bình sẽ làm tăng 11.162 sĩ quan và tăng ngân sách nhà nước hằng năm bảo đảm tiền lương, phụ cấp, quân trang cho sĩ quan khoảng hơn 1.000 tỷ đồng. Đồng thời làm dôi dư và phát sinh giải quyết chế độ, chính sách cho 11.162 công chức đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Hải Hưng trình bày dự thảo Báo cáo thẩm tra dự án Luật Dân quân tự vệ (sửa đổi), trong đó nêu bật sự nhất trí của Ủy ban Quốc phòng an ninh với sự cần thiết sửa đổi luật, hồ sơ dự án cơ bản được xây dựng đúng trình tự, thủ tục, đủ điều kiện trình Quốc hội thảo luận, cho ý kiến.

Dự thảo báo cáo thẩm tra cũng nêu ra một số ý kiến băn khoăn về quy định “…trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã do sĩ quan QĐND Việt Nam đảm nhiệm” vì hiện nay, công an cấp xã đang được xây dựng chính quy và Trưởng công an xã có bậc hàm cao nhất là trung tá. Các ý kiến này đề nghị nghiên cứu quy định Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã là sĩ quan quân đội đảm nhiệm ngay từ thời bình để cụ thể hóa chính sách của Đảng “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”, có đủ khả năng, trình độ kịp thời đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra, tương thích với công an xã; đồng thời bảo đảm công bằng về chế độ, chính sách giữa công an xã và ban chỉ huy quân sự cấp xã.

Phát biểu tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị có quy định phù hợp, bảo đảm tương ứng trong lực lượng, nhất là khi Luật Công an nhân dân đã quy định chính quy hóa Công an cấp xã và Trưởng công an xã có trần quân hàm là Trung tá.

Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đề nghị tiếp tục làm rõ thêm vấn đề này. “Về nguyên tắc, 2 vị trí Trưởng công an xã và Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã phải tương đương”, Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Giải thích về nội dung này, Thượng tướng Phan Văn Giang nhấn mạnh, đây là vấn đề mà lãnh đạo Bộ Quốc phòng rất trăn trở. Lực lượng cán bộ Ban chỉ huy quân sự cấp xã cũng đã được đào tạo rất cơ bản, có cả đào tạo đại học, cao đẳng và trung cấp và đều có bằng cấp đầy đủ. Hiện nay, cán bộ quân sự cấp xã đang là sĩ quan dự bị, cũng được thăng quân hàm theo niên hạn, trần quân hàm cũng lên tới Trung tá. “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, làm sao cho phù hợp nhất. Nếu tăng thêm hơn chục nghìn sĩ quan cán bộ quân sự cấp xã thì đây cũng là bài toán phải điều chỉnh lực lượng rất lớn”, Thượng tướng Phan Văn Giang nói./.