thong nhat phuong an thao go vuong mac du an duong ho chi minh va du an kcn diem thuy
Toàn cảnh hội nghị

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn từ huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đến thị trấn Chợ Chu (huyện Định Hóa) có chiều dài trên 17km, đi qua 3 xã là Tân Dương, Phượng Tiến và thị trấn Chợ Chu. Theo đó, có gần 650 hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án, trong đó có trên 50 hộ dân phải di chuyển chỗ ở. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai Dự án vẫn còn nhiều vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, các hộ dân đã có nhiều kiến nghị gửi đến các cơ quan chức năng. Theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, hiện nay, việc thi công tuyến đường chính vẫn còn 9 hộ dân ở thị trấn Chợ Chu và xã Tân Dương chưa nhận tiền, bàn giao mặt bằng và đề nghị được hỗ trợ nhà ở do bị ảnh hưởng sau khi thi công đường; 10 hộ dân của xã Phượng Tiến chưa đồng thuận trong việc thi công đường gom; 7 hộ dân của thị trấn Chợ Chu chưa nhất trí với đơn giá bồi thường đất phục vụ xây dựng khu tái định cư.

Tại buổi làm việc, đại diện các ngành, đơn vị, địa phương đã thảo luận, đề ra các phương án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như: cần tiếp tục chủ động tuyên truyền, vận động và đối thoại với các hộ dân, đồng thời xem xét các phương án để hỗ trợ tối đa cho các hộ dân trên cơ sở theo đúng quy định của pháp luật, cũng như có phương án bảo vệ công trình đang thi công.

Về nội dung này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, đây là Dự án quan trọng, không chỉ có ý nghĩa về lịch sử mà còn góp phần kết nối và thông toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Cao Bằng đến Cà Mau, tạo động lực phát triển cho các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Thái Nguyên. Đồng chí đề nghị các sở, ngành, đơn vị, địa phương liên quan tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn nhanh nhất nhưng vẫn đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật, tạo được sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án; các phương án, đề xuất giải quyết vướng mắc liên quan đến Dự án gửi về UBND tỉnh trước ngày 20/8/2018.

Cũng tại buổi làm việc, đại diện các ngành, đơn vị, địa phương đã thảo luận về các vấn đề liên quan đến những vướng mắc khi triển khai Dự án Khu công nghiệp Điềm Thụy phần diện tích 170ha. Theo đó, Dự án được triển khai từ năm 2010, sau nhiều lần điều chỉnh nhưng do chủ đầu tư thiếu kinh phí nên đến nay vẫn còn 4,2ha đất liên quan tới 21 hộ dân chưa được nhận tiền bồi thường mặc dù đã được quyết định thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Trong số này, một số hộ đã được chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cây cối, tài sản trên đất nhưng chưa chi trả tiền bồi thường về đất. Đặc biệt, đến nay, có một số trường hợp đã phát sinh tài sản mới trên đất ở, đất vườn và kiến nghị tiếp tục được bồi thường. Về vấn đề này, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các ngành liên quan và UBND huyện Phú Bình, chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Apec Thái Nguyên tiếp tục phối hợp, rà soát, đề xuất các phương án tháo gỡ khó khăn theo đúng quy định của pháp luật trình UBND tỉnh trước ngày 10/9./.