Mục tiêu đặt ra là ưu tiên đầu tư cho hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, có sản phẩm đầu ra, nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, phục vụ phát triển ngành Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

uu tien dau tu cho nhom nghien cuu manh co san pham dau ra
Sinh viên, nghiên cứu sinh thực hành ở phòng thí nghiệm Trường ĐH Quốc gia Hà Nội. Ảnh (tư liệu): VNU

Tập trung vào lĩnh vực ưu tiên

Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Tạ Ngọc Đôn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đang quản lý trực tiếp hoạt động khoa học và công nghệ của 43 trường đại học, học viện và trường cao đẳng sư phạm, trong đó có 3 đại học vùng gồm Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng nên lực lượng cán bộ khoa học và công nghệ mạnh, có trình độ cao. Đây là lực lượng dồi dào, đa ngành, đa lĩnh lực góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang tiếp tục cơ cấu để đảm bảo phát huy những điểm mạnh về nguồn nhân lực và tính đặc điểm đa ngành, đa lĩnh vực, đồng thời, quan tâm hơn nữa đến các nghiên cứu về ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các kết quả nghiên cứu cần được thương mại hóa sản phẩm gắn với thị trường; tiếp tục cải thiện công tác thống kê dữ liệu thông tin về khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp.

Ông Tạ Ngọc Đôn cho rằng: Một số trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo thuộc top đầu của cả nước cần tham gia tích cực hơn nữa vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hoạt động khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Theo đó, Bộ đã xây dựng 3 bộ tài liệu liên quan đến khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức thí điểm xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Huế và Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh...

Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, Nhân văn và Tự nhiên (Bộ Khoa học và Công nghệ) Lê Quang Thành cho biết: Thời gian qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách, phục vụ phát triển ngành giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện việc thưởng công bố quốc tế theo quy định đối với các bài báo được công bố trong danh mục ISI hàng năm. Theo đó, số lượng công bố quốc tế trong danh mục ISI của các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ đã tăng từ 1.376 bài năm 2017 lên 1.718 bài năm 2018 (tăng 25%) và 2.412 bài năm 2019 (tăng 40%). Trong số 2.412 bài báo quốc tế năm 2019, có tới 1.013 bài Q1 (chiếm 42%) và 901 bài Q2 (chiếm 37%). Điều này góp phần tăng vị thế, thứ hạng của các cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo nói riêng, Việt Nam nói chung.

Theo bảng xếp hạng các đơn vị nghiên cứu khoa học (SCImago Intitution Ranking), năm 2019, hai cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ được xếp hạng cao trong khu vực châu Á và thế giới là Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Cần Thơ; 4 cơ sở giáo dục đại học được xếp hạng trong top 500 châu Á. Đặc biệt, Đại học Bách khoa Hà Nội có 4 ngành được THE (Times Higher Education) xếp thứ hạng cao là Kỹ thuật Điện - Điện tử, Kỹ thuật cơ khí -Hàng không và chế tạo, Kỹ thuật máy tính và Hệ thống thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện Chương trình trọng điểm quốc gia về Toán giai đoạn 2010 - 2020 góp phần nâng cao vị thế Toán học Việt Nam trên trường quốc tế, đưa thứ hạng của ngành Toán học Việt Nam từ vị trí 50 lên hàng thứ 32. Số lượng công bố ISI của ngành Toán học Việt Nam năm 2018 xếp thứ 32 trên thế giới, dẫn đầu các nước ASEAN. Tác động của Chương trình Toán đã góp phần nâng cao nhận thức và năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ giảng dạy ngành Toán. Đội ngũ quản lý giáo dục các cấp thay đổi cách tiếp cận trong nghiên cứu và giảng dạy môn Toán, hướng đến phát triển các môn Toán ứng dụng gắn với thực tiễn.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai chương trình nghiên cứu vật lý cấp Bộ cho các tiến sỹ trẻ với 60 đề tài khoa học công nghệ, trong đó, 12 đề tài cho các tiến sỹ trẻ dưới 35 tuổi. Theo xếp hạng của SCOPUS, ngành Vật lý Việt Nam đã tăng hạng từ vị trí 60 năm 2014 lên vị trí 52 năm 2017, trong số 14 giải thưởng Tạ Quang Bửu đã được trao, ngành vật lý có 5 nhà khoa học đoạt giải, chiếm 38%, cao nhất trong 7 lĩnh vực khoa học tự nhiên...

Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ

Với lợi thế về lực lượng nhà nghiên cứu, nhà khoa học mạnh, trình độ cao cùng với đội ngũ sinh viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phát huy những điểm mạnh, lợi thế về nguồn nhân lực để hình thành những nhóm nghiên cứu mạnh và đẩy mạnh nghiên cứu về ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Các kết quả nghiên cứu sẽ được chuyển giao để thương mại hóa sản phẩm gắn với thị trường, có đầu ra cho sản phẩm...

Tổng kết 3 năm chương trình phối hợp công tác giữa Bộ Khoa học và Công nghệ cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo giai đoạn 2017-2025, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang chỉ ra những ưu điểm, hạn chế, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chưa khuyến khích được các hoạt động khoa học, công nghệ mang tính thực tiễn cao, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội, mang lại nguồn thu cho cơ sở giáo dục. Thứ trưởng nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc chỉ đạo hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; đẩy mạnh liên kết giữa các trường với doanh nghiệp, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, triển khai các sản phẩm đầu ra...

Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả, sản phẩm cụ thể thông qua vị thế, xếp hạng đổi mới sáng tạo của Việt Nam. Tuy nhiên, để có được những kết quả tốt hơn nữa, thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nhiều chương trình, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ. Qua đó, làm thay đổi quan điểm phát triển giáo dục đào tạo trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, thay đổi phương thức dạy - học gắn với nghiên cứu - tự nghiên cứu.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, thời gian tới, Bộ sẽ tập trung vào những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm mà Chính phủ đã định hướng, ưu tiên, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bộ ưu tiên đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động của nhóm nghiên cứu mạnh, có sản phẩm đầu ra nhằm thúc đẩy phát triển hoạt động khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học.

Đồng thời, Bộ xây dựng triển khai cơ sở dữ liệu về chuyên gia khoa học, công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học, xây dựng báo cáo thường niên về hoạt động khoa học, công nghệ. Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung rà soát các kết quả hoạt động để có hình thức ghi nhận, tôn vinh xứng đáng các nhà khoa học có đóng góp, cống hiến tích cực; gắn kết các trường đại học với các doanh nghiệp để chuyển giao, ứng dụng công nghệ phục vụ sản xuất, kinh doanh./.