Làm báo in, làm Phát thanh Truyền hình, bản thân tôi đã đi rất nhiều vùng biển đảo, ra Trường Sa, nhà giàn DK1,Thổ Chu, Phú Quý, Lý Sơn ..vv, làm tác phẩm cũng nhiều và tự thân thấy có một vài kinh nghiệm, trình bày để quý độc giả tham khảo. Đó là: Tuyên truyền về biển đảo cần cụ thể và đời thường.

Việt Nam ta có trên 3.000 km bờ biển chạy dài từ móng cái đến Hà Tiên. Vùng biển của ta rộng hơn một triệu km2 với mấy nghìn đảo lớn, đảo nhỏ, đảo chìm, đảo nổi, bãi đá ngầm… Số lượng các tỉnh có biển, đảo và dân số chiếm 1/3 cả nước.

Nước Việt Nam là một. Dân tộc Việt nam là một, trách nhiệm hiểu biết và gìn giữ biên giới, hải đảo là của từng công dân, từng người con đất Việt. Vậy người làm tuyên truyền phải lấy cái toàn cõi, toàn dân mà phản ánh.

Đồng chí Nguyễn Bắc Son, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
chụp ảnh cùng Nhà báo Phan Hữu Minh, nguyên GĐ - TBT Đài PT - TH Thái Nguyên
trong chuyến công tác trên Đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) tháng 4/2010

Trong một lần Hội thảo ở ngành Truyền hình tôi đã nói: Muốn để người xem hình dung, cũng là để học tập đề nghị các đồng chí đưa tin phải cụ thể, kỹ hơn. Thí dụ: Đưa tin lãnh đạo ta đi thăm một đất nước xa xôi, lạ tai, hay đưa tin về thảm họa cần phải cho hình ảnh về vị trí của đất nước đó ở góc nào của Châu nào, to hay nhỏ...vv. Nhiều khi Đài đưa tin mà ngay cả chúng ta cũng không hình dung nổi nước ấy ở đâu, cứ như Đài đánh đố người xem vậy.

Tháng 4/2010, tôi được Ban Tuyên Giáo Trung ương và Bộ Tư lệnh Hải Quân mời đi Trường Sa và nhà giàn DKI. Chuyến ấy chúng tôi đi 18/32 đảo nổi của quần đảo Trường Sa và 3 nhà giàn. Tôi nghĩ đây là cơ hội để có thể làm sâu về biển, cung cấp càng nhiều thông tin càng tốt. Sau 20 ngày lênh đênh trên biển, nghiên cứu các đảo, lên nhà giàn, ăn ngủ với bộ đội Hải quân, tôi làm “Ký sự Trường Sa” gồm 10 kỳ. Chúng tôi mô tả tỷ mỷ từng kinh độ, vĩ độ, đặc điểm từng hòn đảo về diện tích, lịch sử, đời sống bộ đội, tinh thần chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu….vv. Khi phát sóng, có hai luồng ý kiến:

Thứ nhất, Quân Chủng Hải quân rất hoan nghênh cách đưa phóng sự trên. Nhận xét rằng, đưa như vậy ai xem cũng có thể hiểu tường tận thuận lợi, khó khăn của những người giữ đảo. Qua phóng sự bộ đội được chia sẻ, nhân dân nắm được rõ hơn về Trường Sa, Nhà giàn DK…vv.

Thứ hai, một số (không nhiểu) lãnh đạo lại băn khoăn, cho rằng miêu tả tỷ mỷ quá như vậy có sự “Lộ bí mật” không? Bộ đội thiếu nước, thiếu lương thực, thực phẩm và phải chịu sự khắc nghiệt của nắng gió biển khơi thế có nao núng không?vv …Loạt phóng sự “Kể chuyện Trường Sa” của chúng tôi cũng đề cập đến chủ quyền và những bằng chứng pháp lý về chủ quyền được người xem hoan nghênh. Nhiều Đài Truyền hình phát sóng phóng sự này. Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị in 500 đĩa để phát tại Hội nghị tuyên truyền biên giới hải đảo năm đó….

Sau này chúng tôi viết nhiều bài báo, làm nhiều phóng sự, phim tài liệu như: “Niềm tự hào Thổ Chu”, “Lý Sơn – Nhân chứng của mọi thời đại”, “Đổi thay Bạch Long Vỹ”, cũng với cách làm sâu, kỹ và tỷ mỷ như vậy. Với biển thì thế, với biên giới chúng tôi cũng quan tâm tuyên truyền trên sóng, người xem có thể hiểu được những nét cơ bản của biên ải, từ đó đóng góp cho xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc…

Bây giờ báo chí đã rất hiện đại, báo mạng và mạng xã hội đang vươn lên chi phối thông tin. Báo chí chính thống cần phải có những nỗ lực hơn trong tuyên truyền nói chung và biển đảo nói riêng. Tôi nghĩ chúng ta cần đầu tư phản ánh mấy khía cạnh sau:

- Cùng với việc tuyên truyền khẳng định chủ quyền là tuyên truyền kinh tế biển. Trong đó động viên và nêu gương bám biển của ngư dân, kêu gọi các bộ, ngành và nhân dân cả nước ủng hộ ngư dân kể cả trên đất liền và hải đảo. Trong tiếp cận thông tin cũng cần lưu ý tính vùng miền, tính đặc thù của cư dân. Cách đưa vấn đề mộc mạc và thực tế, dễ nghe, dễ hiểu phù hợp hơn với lối hành văn đạo lý chung chung. Nhân đây cũng xin nói thêm một việc. Lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là việc bình thường, đúng quý luật và dân ở đây bao đời nay tự nguyện “Sống chung với lũ”, thế nhưng báo chí chúng ta tuyên truyền nhiều khi đẩy nó lên thành thiên tai, dân xem không chịu và cho là thiếu hiểu biết…Thế nên tôi dùng chữ đời thường là vậy.

- Tăng cường phổ cập cho nhân dân về pháp luật trên biển cũng như việc bảo vệ sự trong lành của biển.

- Mỗi cơ quan báo chí nên có diện tích và thời lượng tương xứng để tuyên truyền về biển. Một cơ quan báo chí không thể đạt hiệu quả cao nếu không có sự liên kết. Tôi lấy ví dụ: Bộ Tư lệnh Hải Quân có chương trình Truyền hình Hải Quân, nhiều Đài Phát thanh - Truyền hình trong đất liền phát sóng. Do vậy hiệu quả tuyên truyền rất cao. Tới đây, lực lượng cảnh sát biển và Kiểm ngư cũng làm như vậy chắc chắn hiệu ứng tuyên truyền sẽ rất tốt. Xin cảm ơn!

Phan Hữu Minh - Ủy viên BTV - Trưởng ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam