Bản Tuyên ngôn đã bày tỏ sự tán đồng với tư tưởng tiến bộ, đề cao những giá trị về con người và quyền con người của các dân tộc khác trên thế giới. Đồng thời, bản Tuyên ngôn phát triển, nâng cao tư tưởng này, từ quyền con người, thành quyền của dân tộc. Đây cũng là nét đặc sắc trong tư tưởng của Hồ Chí Minh - người đã luôn đặt mục tiêu cao nhất là độc lập cho đất nước, tự do cho đồng bào, dân tộc Việt Nam. Những câu trích dẫn về quyền con người trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Pháp (năm 1791) ở ngay đầu Tuyên ngôn Độc lập của nước ta, cũng là lời khẳng định về quyền bình đẳng, quyền mưu cầu hạnh phúc và quyền tự do của các dân tộc, quốc gia. Muốn con người được hưởng đầy đủ những quyền lợi cơ bản của mình một cách bình đẳng, không gì khác là đất nước của họ phải có được độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Khi các quyền cơ bản của dân tộc được bảo đảm trên thực tế thì mới có điều kiện để thực thi quyền con người. Quyền con người hòa quyện mật thiết với quyền dân tộc, và được bảo đảm bằng nền độc lập của quốc gia.

tuyen ngon doc lap nam 1945 ket tinh y chi dan toc va gia tri tien bo nhan loai

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh

đọc "Tuyên ngôn Độc lập" tuyên bố sự ra đời của

nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng làm rõ hơn bản chất của chủ nghĩa thực dân, từ đó góp phần thúc đẩy các dân tộc bị áp bức đứng lên đấu tranh vì quyền dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viết Tuyên ngôn Độc lập đã vạch trần và lên án mạnh mẽ chính sách áp bức của chủ nghĩa thực dân tại Việt Nam: “… hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa. Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào. Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết. Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu. Chúng ràng buộc dư luận, thi hành chính sách ngu dân. Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược…”. Những chính sách, thủ đoạn cai trị của chủ nghĩa thực dân thể hiện bản chất tàn bạo của chủ nghĩa đế quốc với các dân tộc thuộc địa, do đó đấu tranh chống đế quốc, thực dân để tự giải phóng là yêu cầu bức thiết của mỗi dân tộc. Theo các nhà nghiên cứu, đây là một đóng góp lớn về phát triển lý luận và thực tiễn của cách mạng ở các nước thuộc địa. Do đó Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có ý nghĩa đối với đất nước ta mà còn mang ý nghĩa thời đại, cổ vũ các dân tộc thuộc địa đứng lên đấu tranh đòi quyền độc lập, tự quyết, trên quan điểm dân tộc và thời đại. Bản Tuyên ngôn Độc lập điểm lại tình hình đất nước từ sau khi phát xít Nhật xâm lăng Đông Dương, đến cảnh người dân Việt Nam phải chịu “một cổ hai tròng” Nhật - Pháp, rồi cả dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng đã vùng lên giành độc lập. Điều này nhấn mạnh quan điểm “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, và khẳng định dân tộc Việt Nam với truyền thống yêu nước nồng nàn, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã hình thành một khối đoàn kết vững chắc, đầy sức mạnh, đánh đổ xiềng xích nô lệ, giành độc lập tự do. Chủ quyền của dân tộc Việt Nam được xác lập từ cuộc đấu tranh bền bỉ và dũng mãnh đó. Đây là tất yếu lịch sử, là quyền lợi chính đáng và chính nghĩa của cả dân tộc Việt Nam: “Một dân tộc đã gan góc chống lại ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”... Truyền thống yêu nước, khát vọng tự do và độc lập ấy của dân tộc Việt Nam được khẳng định trong tuyên bố hùng hồn: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vũng quyền tự do, độc lập ấy”! Lời tuyên bố, cũng như một lời tuyên thệ về độc lập của dân tộc ấy đã trở thành hiện thực. Nhân dân Việt Nam, do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo, đã kiên trung, anh dũng chiến đấu suốt 30 năm chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, để giành độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Trong các thành công của cách mạng Việt Nam, có những bài học kinh nghiệm quý báu dành cho các nước anh em, về chủ nghĩa dân tộc và khát khao độc lập chủ quyền. Đó cũng là lời kêu gọi sự đoàn kết, hiệp lực của các quốc gia, trong sự nghiệp đấu tranh với những hành vi đi ngược lại xu thế hòa bình và ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Ngày nay, trong tình hình mới của khu vực và thế giới, tinh thần của bản Tuyên ngôn Độc lập càng trở nên sâu sắc và thấm thía. Quyền lợi dân tộc, độc lập chủ quyền, tinh thần đoàn kết và quyết tâm bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc trong Tuyên ngôn Độc lập là những lời thề sắt son luôn trong tâm trí và hành động của mỗi người dân đất Việt.